Chi phí kinh doanh cao hạ thấp cơ hội của DN

17:31 | 23/08/2017

“Để khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế, cần có môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giảm được chi phí bất hợp lý”, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. 

DN và xu hướng quảng cáo trực tuyến
Giảm chi phí logistics từ đâu?
Nhận diện rủi ro, tránh nguy cơ thua thiệt

Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đều đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp (DN). Thế nhưng DN vẫn đang phải gánh chịu quá nhiều gánh nặng thuế, phí, thủ tục hành chính và nhiều khoản chi phí chính thức mà không hợp lý lẫn những chi phí không chính thức khác… Những gánh nặng này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đang hạ thấp cơ hội của doanh nghiệp.

chi phi kinh doanh cao ha thap co hoi cua dn
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Chỉ trong 100 km có tới 2 trạm thu phí

Theo “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí nộp thuế ở mức 31,9% so với lợi nhuận; cao hơn 2 lần so với Singapore. Chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore, hơn 3 lần so với Philippines.

“Chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến khả năng, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cao khiến lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có nguồn thu để tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điểm phát biểu. Đặc biệt, theo ông Điểm, “nhức nhối nhất là chi phí không chính thức, có tới 9-10% DN của hiệp hội cho biết chi phí không chính thức chiếm 10% doanh thu”.

Còn theo báo cáo PCI, 66% doanh nghiệp cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức. Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đã liên tục giảm trong mấy năm qua và “đang ở mức thấp lịch sử kể từ khi PCI được khảo sát trên toàn bộ các tỉnh, thành phố Việt Nam”, nhưng cứ 3 doanh nghiệp được khảo sát thì có 1 DN phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính.

Đánh giác tác động của chi phí với DN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết, chi phí đầu vào chính thức rất khó để lượng hóa thành con số chính xác, nhưng tương đối lớn. Đơn cử chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ và đặt ra gánh nặng lớn cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Chi phí kinh doanh cao không chỉ tác động đến DN mà còn ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân qua giá hàng hóa dịch vụ, như vậy đời sống người dân khó được cải thiện, người nghèo sẽ bị tác động lớn.

Muốn mở đường cho kinh tế tư nhân trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại quốc tế, đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, vấn đề chi phí doanh nghiệp phải được nhận diện đúng mức để có những cải cách điều chỉnh phù hợp.

Nhấn mạnh vấn đề giảm chi phí kinh doanh cho DN, Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu rằng doanh nghiệp cần có môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giảm được chi phí bất hợp lý. Theo ông, khi sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân lớn lên, ngân sách Nhà nước theo đó lớn mạnh, bổ sung chi phí tái đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ cho cả nền kinh tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị quyết 19 và 35 đã nhận diện rõ vấn đề và đã đặt ra nhiều giải pháp để tập trung cắt giảm chi phí, giảm chi phí thời gian chi phí tuân thủ thủ tục hành chính… nhưng đến nay “không đạt được mục tiêu như Nghị quyết đặt ra”, theo ông Hiếu. Những nỗ lực cắt giảm thực hiện tuy có mang lại kết quả đáng kể nhưng kết quả được mới ở phần “đã làm” và so với trước của các bộ ngành… còn thực tế kết quả đó chưa tác động nhiều tới DN… Chưa tác động nhiều cũng có nghĩa là còn xa so với kỳ vọng.

Để đạt được mục tiêu, từng cơ quan phải so sánh trong tương quan với đối thủ cạnh tranh của mình chứ không phải so với chính mình thời gian trước”, Thứ trưởng Đông đưa ra thông điệp.

Một số DN và đại diện Hiệp hội đang truyền đi một thông điệp “cộng đồng doanh nghiệp nên chủ động liên kết để tạo nên sức mạnh, nâng cao tính hợp tác” bên cạnh việc tiếp tục phản ánh kiến nghị để các cơ quan thay đổi, chuyển động và hành động hướng đến môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cải cách thể chế, giảm tối đa can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, để thị trường và người tiêu dùng quyết định.

Góp thêm ý kiến, ông Điểm nhấn mạnh “phải thông qua báo chí truyền thông, họ có mặt ở khắp nơi, nhưng để báo chí làm việc hiệu lực thì cơ quan công quyền phải biết lắng nghe và chấp nhận chỉ trích. Có như vậy mới thay đổi được”.

Linh Linh

Tin đọc nhiều