Chính sách cho DNNVV: Sẽ không đặt nặng vấn đề vốn

11:00 | 12/12/2016

Tới đây vấn đề hỗ trợ DNNVV sẽ không còn đặt nặng vấn đề vốn, hay lấy việc cung ứng vốn làm ưu tiên hàng đầu nữa.

Viet Capital Bank dành 1000 tỷ đồng cho vay ưu đãi DNNVV
Chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNNVV hiện nay chiếm tới 97% tổng số DN, đóng góp khá tích cực vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Cũng vì vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách cho DNNVV trong đó có nhiều chính sách liên quan tới nguồn vốn, tín dụng.

chinh sach cho dnnvv se khong dat nang van de von
Ảnh minh họa

Trên thực tế kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, để hỗ trợ phát triển DNNVV đòi hỏi các giải pháp để hỗ trợ từ nhiều phía, dành nguồn lực ngân sách và thông qua nhiều cơ chế chính sách kinh tế.

Tại Việt Nam, để hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế về bảo lãnh cho DNNVV vừa vay vốn TCTD thông qua NH Phát triển Việt Nam (theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011); các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương (theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Phát triển DNNVV (theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013)…

Đặc biệt, ngành NH luôn coi DNNVV là đối tượng ưu tiên đầu tư vốn với rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Thời gian qua NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường cho vay đối với đối tượng này, trong đó xem xét mở rộng việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt nhất để DNNVV tiếp cận vốn NH. Và cho dù các chương trình hỗ trợ DNNVV do các bộ, ngành, đơn vị khác triển khai thì rốt cuộc các NH cũng đóng vai trò quan trọng.

Đơn cử, Quỹ Phát triển DNNVV là một tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bù đắp chi phí và bảo toàn vốn; thực hiện hỗ trợ cho DNNVV có dự án, phương án sản xuất – kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của nhà nước.

Quỹ Phát triển DNNVV thực hiện ủy thác cho NH Phát triển Việt Nam hoặc các NHTM đủ điều kiện cho vay các DNNVV có nhu cầu vay vốn. Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất - kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó nhưng không quá 30 tỷ đồng. Đặc biệt, NHNN cũng được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động NH có liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Với vai trò đó, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản triển khai Quyết định số 601/QĐ-TTg như xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, Thông tư quy định về danh mục các lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV…

Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố ra mắt Quỹ Phát triển DNNVV với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng do Ngân sách Nhà nước cấp. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Quỹ để thực hiện chức năng ủy thác cho vay đối với DNNVV, góp phần hỗ trợ các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

DNNVV đã, và đang được hỗ trợ rất nhiều, nhưng dù chính sách có tốt đến đâu mà bản thân các DNNVV không tự cải thiện năng lực tài chính, năng lực quản lý và có những dự án sản xuất kinh doanh khả thi... thì rất khó để chính sách phát huy hiệu quả. Do đó, tới đây vấn đề hỗ trợ DNNVV sẽ không còn đặt nặng vấn đề vốn, hay lấy việc cung ứng vốn làm ưu tiên hàng đầu nữa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được trình ra Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, NHNN và các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp hơn cho DNNVV.

Chí Kiên

Tin đọc nhiều