Chính sách còn nặng kiểm soát

09:05 | 05/06/2015

Cần nâng cao tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Ai làm méo mó thị trường?!

“Suốt 30 năm đổi mới, song Việt Nam mới tự do hóa thị trường. Chưa kể, để đảm bảo thị trường cạnh tranh bình đẳng thì chúng ta vẫn đang thiếu hoặc chưa chú ý đến điều này”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã chia sẻ như vậy khi bàn về các thể chế quản lý thực thi và thúc đẩy cạnh tranh công bằng.

So sánh với những chia sẻ của TS. Warren Mundy, Ủy viên hội đồng - Ủy ban Năng suất Úc về thực tế vấn đề này tại Úc, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận: mục tiêu khuôn khổ chính sách của họ là thúc đẩy, còn “chúng ta có vẻ như đang kiểm soát nhiều hơn là thúc đẩy thị trường”. Thay vì chỉ chú ý đến các thị trường mang tính cạnh tranh không đầy đủ, Việt Nam quản lý tất cả các loại thị trường. Tất cả đều có thể bị điều tiết với một từ “bình ổn” như xăng, dầu, ga. “Theo tôi có những khái niệm mang tính nhầm lẫn, làm cho thị trường trở nên méo mó chứ không phải ổn định”, ông Cung nói.

chinh sach con nang kiem soat
Các cơ quan quản lý thụ động chờ vấn đề phát sinh mới can thiệp, khi đi kiểm tra thì cố tình tìm sai sót để xử lý hơn là giúp đỡ hướng dẫn DN tuân thủ

“Tôi cảm thấy, Việt Nam thực sự xây dựng kinh tế thị trường mà rất thành kiến với cạnh tranh. Chúng ta hết sức e ngại, cái gì mới thì quản lý chặt”, TS. Lê Đăng Doanh nói và nhìn nhận điều này khiến Việt Nam trở nên rất xa lạ với thế giới và công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay. Ông Cung phân tích: cái thành kiến này tuy không hiện hữu rõ ràng nhưng nó nằm trong đầu những nhà quản lý. Ví như việc coi quá nhiều DNNVV dẫn đến cạnh tranh quá mức, từ đó coi cạnh tranh là hiện tượng xấu, tác động tiêu cực. Các cơ quan quản lý thụ động chờ vấn đề phát sinh mới can thiệp, chờ sai phạm để xử lý, khi đi kiểm tra thì cố tình tìm sai sót để xử lý hơn là giúp đỡ hướng dẫn DN tuân thủ.

Trái với quan điểm “cơ chế thực thi không có gì vì vậy luật chỉ mang tính hình thức”. Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn cho biết việc đưa DNNN vào phạm vi điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh là bước tiến lớn mà nhiều nước trong khu vực chưa làm được. Còn nói về cơ chế xử lý vi phạm cạnh tranh, ông Tuấn cho biết đã được quy định trong Điều 6. Còn theo bà Trần Thu Quỳnh, Hội đồng cạnh tranh, thì trong Chương trình đối tác phát triển Việt Nam: năm nay đã đưa ra thì nội dung là hướng dẫn thi hành 2 điều 6 và 15 của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện Bộ Công Thương cũng mới chỉ đang xây dựng lập đề án nghiên cứu.

Cơi nới hay xây mới?!

Nguyên nhân của việc quy định pháp luật chủ yếu vẫn là trên giấy, còn trong thực thi thì rất khác được các nhà nghiên cứu và thực thi chính sách chỉ ra một khiếm khuyết đó là vị thế của cơ quan quản lý cạnh tranh thiếu tính độc lập. Các bộ, ngành, có thể làm tất cả các chức năng chủ sở hữu, quản lý, ban hành chính sách... Vì vậy các cơ quan này sẽ phải bảo vệ chủ sở hữu, DN hơn là bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Có gần 3.000 quy định kinh doanh, theo luật đầu tư là trái thẩm quyền nhưng vẫn được áp dụng, không có DN nào dám đứng ra khởi kiện. Vấn đề thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng càng thêm khó khi công cụ ít hơn so với số vi phạm. Ngay cả quyền tối thiểu của cơ quan quản lý cạnh tranh là thu thập thông tin cũng không tốt, không thể thực thi được cho thấy vị thế cơ quan này phải có sự khác biệt.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần tách biệt cơ quan quản lý cạnh tranh ra khỏi bộ, hoạt động như một uỷ ban độc lập. “Yêu cầu cấp bách là nâng cấp cơ quan quản lý cạnh tranh và bổ sung trong luật cạnh tranh về độc quyền. Nếu độc quyền là của DNNN, tập đoàn Nhà nước và được cấp rất cao bổ nhiệm thì Cục quản lý cạnh tranh có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa cũng lại vẫn bất lực”, TS. Lê Đăng Doanh kiến nghị. Cùng với đó ông đề xuất sớm sửa đổi Luật Cạnh tranh, tách bạch thành cơ quan quản lý, không đồng thời làm chính sách, xúc tiến thương mại, chủ sở hữu, nếu không, DN nước ngoài sẽ tận dụng sơ hở, chiếm lĩnh thị trường, người Việt mua hàng trả lương cho công nhân nước khác trong khi DN, nông dân trong nước thì không phát triển được.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, không cần tách bạch cơ quan quản lý cạnh tranh ra khỏi bộ, mà quan trọng là phải tạo cho nó một tính độc lập, tuân thủ theo pháp luật. Bởi ở Việt Nam, đối tượng quản lý cạnh tranh khác biệt, việc bóp méo cạnh tranh thường là do các cơ quan quản lý Nhà nước, nếu nhấn vào DN độc quyền thì chưa vào gốc của vấn đề, mà chính cơ quan Nhà nước thúc đẩy vi phạm cạnh tranh và độc quyền. Thứ hai là trong việc thực thi chính sách cạnh tranh, các cơ quan quản lý cạnh tranh nửa tư pháp, nửa hành pháp vì vậy trong 5 năm tới nên giải quyết trực tiếp những vấn đề này thay vì xây dựng một cơ quan mới.

TS. Warren Mundy, Uỷ viên Hội đồng - Uỷ ban Năng suất Úc chia sẻ kinh nghiệm cùng các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam, những nguyên tắc căn bản cần tuân thủ. Trong chính sách cạnh tranh chúng ta phải xây dựng đảm bảo lợi ích tốt nhất cả cộng đồng. Đặc biệt trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển, chính sách cạnh tranh phải đưa ra được định hướng ngăn ngừa lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trên thị trường phát triển đủ lớn để tận dụng được lợi thế tính kinh tế theo quy mô. Chính sách phải thúc đẩy cạnh tranh phát triển trong DN và khả năng tích lũy vốn trong nền kinh tế, năng lực của các DN.

Cũng theo ông Warren Mundy, cạnh tranh bình đẳng là chìa khóa để đảm bảo phát triển thị trường, vì vậy các hình thức xử phạt, phải được áp dụng đầy đủ đối với các DNNN, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương. Quan trọng hơn, sợi dây xuyên suốt của thể chế quản lý và thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng là hướng đến lợi ích người tiêu dùng chứ không phải người sản xuất. Cơ quan quản lý cạnh tranh phải bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều