Chính sách tốt, thực thi nghiêm giúp tăng trưởng bền vững

16:08 | 15/03/2018

Gần 90% DN châu Âu muốn duy trì hoặc tăng đầu tư tại Việt Nam điều này có thể tiếp tục truyền cảm hứng cho Chính phủ Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) hơn nữa. Ông Gellert Horvath – đồng Chủ tịch EuroCham Việt Nam trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

chinh sach tot thuc thi nghiem giup tang truong ben vung
Ông Gellert Horvath

Nhìn nhận của ông về triển vọng kinh tế vĩ mô (KTVM) của Việt Nam?

Năm 2012 tôi đến làm việc ở Việt Nam, đúng vào thời điểm nền kinh tế của các bạn có khá nhiều bất ổn, lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm sút. Nhưng mấy năm nay KTVM Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nền kinh tế đã có sự ổn định với lạm phát trong tầm kiểm soát, tăng trưởng GDP phục hồi tốt và giờ đã sát trở lại ngưỡng 7%, xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh trong khi dòng vốn FDI tiếp tục vào tích cực, cán cân thương mại khá cân bằng…

Kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2017 của DN châu Âu tại Việt Nam cho thấy, các thành viên của EuroCham bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng KTVM của Việt Nam khi có tới 46,4% nhận định KTVM sẽ ổn định và cải thiện trong quý tiếp theo; 40,6% nhận định tình hình sẽ được giữ nguyên như hiện tại.

Về lạm phát, có tới 65,2% DN tham gia khảo sát tin tưởng lạm phát sẽ chỉ có tác động rất nhỏ đối với hoạt động của họ trong quý tiếp theo; 18,8% đánh giá sẽ không có ảnh hưởng gì và chỉ có 14,5% cho rằng có ảnh hưởng đáng kể (giảm từ mức 20% vào quý II/2017). Tôi nghĩ tiền đồng (VND) của các bạn đang rất ổn định và lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát.

Vậy ông đánh giá thế nào về nỗ lực cải thiện MTKD chung của Chính phủ Việt Nam thời gian qua?

Tôi nghĩ nhìn chung là theo hướng chuyển biến tích cực. Cách thức tiếp cận và tiến hành các thủ tục pháp lý có những cải thiện, các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết để các DN có thể triển khai kinh doanh hay muốn mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã được cắt giảm bớt. Là cơ quan đại diện cho các DN châu Âu hoạt động tại đây, chúng tôi cũng thường xuyên ghi nhận các ý kiến về các vấn đề vướng mắc mà DN gặp phải để phản ánh lên Chính phủ.

Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp với Chính phủ, các nội dung đều được lắng nghe với thái độ cầu thị. Tôi nghĩ, làm việc với các DN và lắng nghe ý kiến từ các DN là rất cần thiết để Chính phủ, DN, xã hội và cả nền kinh tế cùng tiến lên.

Tôi cũng muốn dẫn lại kết quả khảo sát BCI vừa qua cho thấy, có tới gần 90% DN châu Âu mong muốn duy trì hoặc tăng đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, sự quan tâm và mong muốn đó có thể tiếp tục truyền cảm hứng cho Chính phủ Việt Nam để cải thiện MTKD hơn nữa, đặc biệt liên quan đến những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý giúp Việt Nam hoàn thành cam kết theo EVFTA.

Theo ông, đâu là những thách thức chính đối với kinh tế Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ khi đến Việt Nam như một đối tác FDI thì một trong những vấn đề là cần có được chuỗi cung ứng tốt để hỗ trợ cho các DN trong nước có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề cấp phép cũng còn nhiều phức tạp, các vấn đề khác như về giáo dục đào tạo nghề cho người lao động còn bất cập. Vấn đề visa và giấy phép cho người lao động nước ngoài cũng còn khá nhiều thủ tục phức tạp… Tuy nhiên về tổng thể thì KTVM và MTKD đều khá tích cực.

Vậy EuroCham có các khuyến nghị gì đối với Chính phủ?

Trong những thách thức kể trên, tôi cho rằng giáo dục và đào tạo nghề là đặc biệt quan trọng vì các DN luôn rất cần lao động có tay nghề tốt. Còn về MTKD thì việc có được một khung khổ pháp lý, chính sách tốt và có thể dự báo được để cho các DN hoạt động kinh doanh là rất quan trọng.

Nhưng khung khổ pháp lý, chính sách tốt và có thể dự báo đó phải được triển khai đầy đủ trong thực tế. Đây là điều quan trọng không kém, nhất là khi Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng bền vững. Bởi chỉ khi triển khai tốt các quy định, chính sách đã đưa ra và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường thì khi đó các DN mới có thể hoạt động bền vững.

Chính vì vậy cùng với xuất bản ấn phẩm Sách Trắng hàng năm thì bắt đầu từ năm ngoái, chúng tôi cũng xuất bản thường niên cuốn Sách Xanh để góp phần hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững ở Việt Nam.

Ông có thể cho biết đánh giá của mình về việc Mỹ vừa quyết định áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu?

Đây là một vấn đề mới và khó để bàn luận được gì nhiều. Ngay lúc này thì Eurocham chúng tôi chưa nhận thấy tác động ngay lập tức nào đến các DN thành viên của chúng tôi. Nhưng tôi thấy Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk vừa qua đã đưa ra cảnh báo rất mạnh mẽ về vấn đề này và chắc là Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục lên tiếng rất mạnh mẽ.

Cá nhân tôi thì rất tin vào thương mại tự do và đó chính là một trong những lý do tôi đang đảm nhiệm vị trí công việc hiện nay tại EuroCham. Tôi hiểu đó cũng là lý do vì sao châu Âu vẫn tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các FTA cũng như luôn tin tưởng thương mại tự do chính là giải pháp cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như để phát triển kinh tế, xã hội trên toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Quân thực hiện

Tin đọc nhiều