Chờ sóng lớn hơn vào năng lượng tái tạo

09:00 | 13/03/2019

Việt Nam đang đón sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT), tuy nhiên nguồn vốn hiện nay còn cách xa so với nhu cầu phát triển kinh tế gắn với hiệu quả và bền vững...

Đầu tư năng lượng tái tạo: Cơn sốt có sớm hạ nhiệt?!
Năng lượng tái tạo: Để tiềm năng lớn không ngủ quên

Khẳng định rằng sẽ có nguồn vốn lớn rót vào lĩnh vực này khi có chính sách phù hợp, các chuyên gia và NĐT đã đưa ra các khuyến nghị tại Hội thảo “Phát triển Năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam”, do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (EIC), Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức ngày 12/3.

cho song lon hon vao nang luong tai tao
Chi phí đầu tư năng lượng tái tạo cao là một rào cản lớn

Nhiều tiềm năng

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng GDP ấn tượng, nhưng cùng với đó nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% cho giai đoạn 2000-2010 và trên 11% cho giai đoạn 2011-2016, riêng năm 2018 vừa qua là trên 10%. Các con số thống kê cho thấy nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Nhìn về tương lai, các dự báo chỉ ra rằng từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 - 7,5%/năm, như vậy, ưu tiên cao phải được dành cho việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển NLTT để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, các nghiên cứu đánh giá tiềm năng NLTT cho thấy đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.

Để khuyến khích phát triển NLTT phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các NĐT như ưu tiên cung cấp tín dụng; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu...

Với các chính sách này, Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư vào lĩnh vực phát triển NLTT. Đến cuối năm 2018, cả nước đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.

Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký; trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký kết hợp đồng, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Nhưng còn vướng cơ chế

Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây Việt Nam nổi lên là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng ở Đông Nam Á. Đồng thời, nhu cầu cho việc phát triển nguồn NLTT ngày càng tăng và Chính phủ đang có những sáng kiến để thúc đẩy sản xuất NLTT, đặc biệt là năng lượng từ gió và mặt trời.

Trong khi đó, Vương quốc Anh cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về gió ngoài khơi với công suất lắp đặt lớn nhất toàn cầu là 7,6 GW. Vương quốc Anh cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ việc chuyển hướng sang nền kinh tế xanh hơn, giảm thiểu cacbon, ở cả trong nước và trên toàn thế giới.

Vì vậy cũng trong dịp này, có khoảng 30 công ty của Anh trong lĩnh vực NLTT và tài chính xanh đã tham gia hội thảo để chia sẻ với các đối tác Việt Nam cách tiếp cận chính sách và phát triển các khung pháp lý; chia sẻ chuyên môn về năng lượng hướng tới giảm thiểu carbon… Các doanh nghiệp cũng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực NLTT vì nguồn vốn trong nước còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc phát triển nhanh các nguồn NLTT thời gian qua đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ NLTT trong hệ thống tăng lên...

Bà Linh Doan - Cố vấn Pháp luật của Công ty WatsonFarley & Williams chia sẻ, hiện nay thị trường châu Á đang có sự tăng trưởng nhanh chóng về thu hút đầu tư NLTT, đặc biệt là gió ngoài khơi. Tuy nhiên các nền kinh tế đang được hưởng lợi từ dòng chảy vốn này là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy Việt Nam cần đưa ra các chính sách để thu hút và khuyến khích các NĐT nước ngoài. Bà cho rằng trước hết cần có hệ thống phê duyệt dự án đơn giản và minh bạch hơn; đảm bảo cơ chế giá ổn định lâu dài; chính sách nhất quán của Chính phủ…

Ông Russell Marsh - Công ty Ernst & Young Sollutions cho hay, văn phòng nước ngoài và khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh đang triển khai chương trình hỗ trợ phát triển có tên gọi là Chương trình năng lượng carbon thấp ASEAN để giải quyết các rào cản đối với phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Để tăng cường cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ này, ông khuyến nghị Việt Nam cần thiết kế một môi trường cho phép thúc đẩy các nguồn tài trợ, các chính sách công và hành động được thiết kế để thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó cần hài hòa các chính sách tài chính, giá năng lượng để cho phép có mức giá hợp lý hơn; cải cách và đơn giản hóa quá trình cấp phép và thu hồi đất...

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều