Chưa khai thác tốt lợi thế để phát triển dịch vụ

15:00 | 19/06/2019

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam có xu hướng tăng đều trong suốt giai đoạn 2006-2018. Xuất khẩu dịch vụ tăng từ 5,1 tỷ USD năm 2006 lên 14,8 tỷ USD năm 2018, trong khi nhập khẩu dịch vụ tăng từ 5,1 tỷ USD năm 2006 lên 18,5 tỷ USD năm 2018...

Logistics và bài toán thương mại điện tử
Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Mặc dù vậy xuất khẩu dịch vụ có tốc độ tăng chậm hơn so với nhập khẩu dịch vụ, khiến cán cân thương mại dịch vụ từ chỗ cân bằng những năm 2006, 2007 ngày càng gia tăng khoảng cách và thâm hụt sâu hơn, đến năm 2018 đã thâm hụt 3,7 tỷ USD.

chua khai thac tot loi the de phat trien dich vu
Ảnh minh họa

Xét trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2018 đạt 515,5 tỷ USD, phần dịch vụ chỉ chiếm 6,4%, với giá trị gần 33,3 tỷ USD. Điều này cho thấy thương mại dịch vụ của Việt Nam so với thương mại hàng hoá còn rất hạn chế.

Theo các chuyên gia kinh tế, lâu nay chúng ta thường nhắc tới cán cân thương mại hàng hoá mà ít đề cập tới thương mại dịch vụ. Thực tế là cán cân dịch vụ của Việt Nam đã liên tục duy trì trạng thái thâm hụt, trong khi cán cân thương mại hàng hoá vẫn có năm thặng dư. Các con số thực tế cho thấy thương mại dịch vụ đang là một điểm yếu cần khắc phục, bởi Việt Nam có rất nhiều lợi thế để khai thác tốt trong lĩnh vực này.

Khảo sát của Trung tâm WTO và dịch vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, phần lớn giá trị xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam là tại chỗ, tức là dịch vụ cung cấp cho chủ thể nước ngoài tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, du lịch là nhóm có giá trị xuất khẩu cao nhất, chiếm tới 67% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ; tiếp theo là dịch vụ vận tải, mà một phần trong đó cũng chính là vận tải phục vụ du lịch.

Trong khi xuất khẩu các dịch vụ khác, như dịch vụ tài chính, bảo hiểm và lương hưu, truyền thông, máy tính và thông tin… đều có giá trị và tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy các ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ thị trường trong nước mà chưa vươn được nhiều ra các thị trường nước ngoài.

Ở chiều nhập khẩu, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm các dịch vụ nhập khẩu của Việt Nam là vận tải, chiếm tới 48%. Lý do chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng mạnh của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2016 mà phần lớn sử dụng dịch vụ logistics của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, trong đó đáng kể là dịch vụ vận tải hàng hải của các hãng tàu nước ngoài. Nhóm dịch vụ nhập khẩu lớn thứ hai là du lịch, chiếm 28%, tiếp theo là bảo hiểm và hưu trí 5%, tài chính 3%, dịch vụ Chính phủ 1% và dịch vụ truyền thông, máy tính và thông tin 1%...

Có thể thấy, mặc dù cơ cấu và tỷ trọng trong các dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu có sự khác nhau nhất định, vận tải và du lịch vẫn là 2 nhóm dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, với một nền kinh tế đang phát triển, định hướng xuất khẩu hàng hoá, kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ nhỏ hơn so với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cũng không phải là bất thường. Mặc dù vậy, thương mại dịch vụ chiếm 6,4% trong tổng thương mại của Việt Nam đang thấp hơn đáng kể so với tỷ trọng trung bình của các nước ở khu vực ASEAN là 22%. Thực tế này cũng cho thấy thương mại dịch vụ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu.

Bộ Công thương nhận định, Việt Nam có nhiều mặt hàng dịch vụ đã được xếp vào nhóm tiềm năng cao, như du lịch, xuất khẩu lao động, dịch vụ vận tải, phần mềm… Tuy nhiên, thống kê trong nhiều năm gần đây cho thấy, nước ta thường xuyên nhập siêu trong lĩnh vực này. Đó là do nhiều ngành dịch vụ của ta chưa phát huy được hết tiềm năng.

PGS-TS. Phạm Tất Thắng - Chuyên gia của Bộ Công thương dẫn chứng, Việt Nam có hệ thống cảng biển dày đặc, cộng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics để trở thành trung tâm logistics cho hàng hóa các quốc gia thực hiện xuất nhập khẩu trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ logistics chưa phát triển mạnh, phải sử dụng của các DN nước ngoài. Tương tự như vậy, với ngành du lịch, trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam ở vị trí 67/136 nền kinh tế. Thứ hạng này cho thấy ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Lan Hương

Tin đọc nhiều