Chưa khai thác tốt lợi thế xuất khẩu trực tuyến

16:29 | 02/02/2018

Mặc dù thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang phát triển mạnh, trong đó có nhiều ứng dụng hỗ trợ xuất nhập khẩu, tuy nhiên, các DN Việt chưa khai thác tốt các ứng dụng này.

Con tôm - tiềm năng của xuất khẩu thuỷ sản
Nhập siêu 300 triệu USD trong 15 ngày đầu năm

Năm 2017 ghi nhận nhiều kỷ lục trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam cả năm 2017 đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Có nhiều nhóm hàng xuất khẩu 10 tỷ USD như điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, giày dép…

chua khai thac tot loi the xuat khau truc tuyen
Ảnh minh họa

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2017, hiện nhiều DN Việt Nam đã ứng dụng TMĐT nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Bên cạnh việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan khác, thì các DN cũng tăng cường sử dụng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh, tìm kiếm thị trường, giao kết và triển khai hợp đồng.

Việc thực hiện giao dịch TMĐT sẽ mang lại hiệu quả lớn cho DN xuất nhập khẩu. Theo đó, DN tiết kiệm thời gian từ 15 - 30%, thậm chí lên tới 90%, tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hóa của DN.

Đánh giá của các chuyên gia cho rằng, tiềm năng ứng dụng TMĐT đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, đa số DN xuất khẩu lại vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống hoặc khai thác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản như website, email…

Có thể thấy, phương thức xuất khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí thời gian, nhất là đối với các DNNVV. Nhưng các DN Việt Nam vẫn chưa chú trọng hướng tới kênh xuất khẩu trực tuyến. Ước tính chỉ 1% DN xuất khẩu biết cách ứng dụng xuất khẩu trực tuyến để tạo ra đơn hàng.

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) với hơn 1.500 DNNVV, hiện mới chỉ có 49% DN xuất nhập khẩu có website về TMĐT, 11% DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT và 2% DN thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch TMĐT hoạt động.

Điều này chứng tỏ các DN vẫn còn rất e ngại tham gia xuất khẩu trực tuyến. Hiện các nhà sản xuất Việt Nam chưa chú trọng đúng mức tới kênh xuất khẩu trực tuyến, trong khi chất lượng, hình thức, giá cả của nhiều sản phẩm trong nước lại chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.

Theo chia sẻ của nhiều DN, mặc dù kênh xuất khẩu trực tuyến có nhiều lợi thế trong bối cảnh công nghệ thông tin và TMĐT phát triển toàn cầu hiện nay nhưng rủi ro cũng rất lớn. Nguyên nhân nhiều DN vẫn chưa có đủ khả năng, nền tảng công nghệ và nhân lực để thực hiện và thẩm định các đơn hàng thông qua trực tuyến.

Bên cạnh đó, rào cản đối với DN chính là độ tin cậy của đối tác trên sàn TMĐT. Phần lớn DN Việt vẫn có thói quen mua bán trao tay nên thường xuyên sử dụng phương thức kết nối trực tiếp, và họ cho rằng đây vẫn là kênh hiệu quả nhất. Thực tế chứng minh đã có không ít DN Việt Nam giao dịch trực tuyến đã bị một số công ty nước ngoài lừa hợp đồng hay mặt hàng dẫn đến mất tiền, thiệt hại về kinh tế.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, thời gian gần đây không ít DN Việt Nam tỏ ra e ngại bởi khách hàng ở châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng. Thương vụ này đã nhiều lần hỗ trợ xử lý các sự vụ lừa đảo trong mua bán với các đối tác qua mạng Internet.

Không những vậy, Thương vụ cũng đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo thương mại trên mạng đồng thời nêu đích danh các tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có một số DN Việt Nam bị lừa mất tiền.

Để tham gia hoạt động xuất khẩu trực tuyến, đòi hỏi bản thân DN cần tích cực đầu tư về hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó có những chính sách, chương trình hỗ trợ để DN tiếp cận, điều chỉnh chiến lược ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Phương thức xuất khẩu trực tuyến sẽ là xu hướng trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển trên toàn cầu hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội VECOM cho rằng, TMĐT là kênh xuất khẩu trực tuyến đem đến cơ hội thành công cao vì đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý với lượng khách hàng khổng lồ và mức chi phí thấp.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều