Chưa tới 50% cổ phần Nhà nước đến được với nhà đầu tư chiến lược

14:56 | 31/10/2017

Báo cáo nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) DNNN vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) khẳng định: Kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn nhà nước và thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ phản ánh việc bán vốn sai quy định
9 tháng, bán vốn nhà nước lãi 12.160 tỷ đồng
Chặn thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa

19,6% số DN cổ phần hóa không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược

Đi liền với quá trình CPH là kỳ vọng tìm được nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để làm thay đổi DN, làm cho DN hoạt động hiệu quả hơn, đầu tư tốt hơn cho công nghệ mới, thị trường mới và kỹ năng quản trị hiện đại… Nhưng theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong số DN thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng qua hình thức đấu giá (IPO) năm 2015 chỉ bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán. Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).

chua toi 50 co phan nha nuoc den duoc voi nha dau tu chien luoc
Cơ cấu sở hữu của DN CPH theo kế hoạch và thực tế sau IPO (bình quân giai đoạn 2011-2015)

Nghiên cứu của CIEM đã phân tích thêm 46 tổng công ty thực hiện CPH giai đoạn 2011 – 2016 cho biết, trong số 46 DNNN này, có 14 DN (chiếm 30,4%) trong phương án CPH không bán cho nhà đầu tư chiến lược; có 2 DN (chiếm 4,4%) bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt; 17 DN (chiếm 37%) bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt; 9 DN (chiếm 19,6%) không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 DN còn lại (chiếm 8,7%) không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.

Trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược ở 46 tổng công ty này, chỉ bán được 12.762 tỷ đồng. Tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài rất nhỏ, chỉ chiếm 8,7% (4/46 tổng công ty). Trong đó phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần thấp (cao nhất là 20%).

CIEM chỉ ra 5 nguyên nhân chính khiến CPH DNNN chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đó là: Tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài bị khống chế; Định giá DN và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; Nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; Thiếu công khai, minh bạch thông tin; Quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.

Ông Phạm Đức Trung - Đại diện Ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) cho biết, các quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được thiết kế với mục đích tạo hàng rào bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ trong nước, tuy nhiên lại gây ra những tác động tiêu cực tới việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài.

Thiếu thông tin – cổ đông chiến lược khó quyết định bỏ vốn

Bên cạnh đó, các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược trong các thương vụ CPH các DNNN lớn cũng thiếu minh bạch, khó tiếp cận. Theo đó, hầu hết các DNNN không có thông báo về mục tiêu, tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược bằng tiếng Anh. Do đó nhà đầu tư quốc tế thường rất tốn kém thời gian, chi phí để tìm hiểu.

Trong hội thảo về CPH dưới con mắt nhà đầu tư nước ngoài, Luật sư Tony Foster cho biết, vấn đề thiếu minh bạch trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược là một trong những vấn đề then chốt khiến các nhà đầu tư quốc tế e ngại khi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào DNNN CPH. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cũng chia sẻ, dù DN Mỹ coi quá trình CPH tại Việt Nam là cơ hội đầu tư lớn nhưng thông tin không đầy đủ khiến họ rất khó khăn khi ra quyết định bỏ vốn đầu tư.

Vì vậy để tăng sức hấp dẫn và khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào tiến trình CPH, CIEM khuyến nghị: Cần có quy định rõ ràng và minh bạch về những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; Mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn và chủ quyền quốc gia; Việc định giá DN phải được thực hiện một cách độc lập và minh bạch bởi các chuyên gia tư vấn có nhiều kinh nghiệm quốc tế và dựa trên các thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, giá bán cổ phần cần được nghiên cứu kỹ càng dựa trên giá trị thực và tiềm năng phát triển của DN thay vì chỉ dựa vào giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Một khuyến nghị nữa là cần cung cấp các thông tin đầy đủ và minh bạch về DN CPH và tạo điều kiện để nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của DN trước khi tham gia đấu thầu.

Ông Phạm Đức Trung cho rằng, trong việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông chiến lược trong nước; cho phép họ được sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu. Trong những ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư chiến lược chỉ được phép sở hữu thiểu số cổ phần, thì cần có cơ chế chính sách bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Linh Linh

Tin đọc nhiều