Chuẩn bị tốt để đón đơn hàng

10:21 | 07/12/2015

Ngay sau khi có thông tin chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do  giữa Việt Nam và EU, các DN đã hối hả chuẩn bị cho cuộc chơi mới.

chuan bi tot de don don hang
Ảnh minh họa

Hào hứng chuẩn bị

Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 đang là nhà sản xuất sơ mi, quần tây, veston cao cấp cho một số thương hiệu nổi tiếng thuộc các nước trong Liên minh châu Âu (EU) như: Hugo Boss (Đức), Pierre Cardin (Pháp), Nex, TM lewin, Mark & Spencer (Anh), Tiger of Swiden (Thụy Điển)… với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 100 triệu USD/năm.

Và EU cũng là thị trường xuất khẩu chính của công ty với 60% tổng kim ngạch. “Khi EVFTA có hiệu lực, dệt may là một trong số những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, do thuế suất thuế xuất khẩu giảm nhiều so với hiện nay”, ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 cho biết.

Theo ông Cần, trước mắt, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, Tổng công ty 28 sẽ tìm các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, để khi thuế giảm xuống, hàng hóa vừa rẻ hơn cộng với chất lượng được nâng lên sẽ giúp cho kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU tăng lên đáng kể. Trên cơ sở tính toán số lượng hàng nhập khẩu vào EU, Tổng công ty 28 sẽ nâng dần công suất nhà máy cho phù hợp.

Bên cạnh đó, thị trường EU cũng đóng một vai trò rất quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, đứng thứ tư (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Trung Quốc), với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 703 triệu USD năm 2014, và có khả năng vượt qua mức 800 triệu năm 2015.

Chính vì vậy, khi hay tin EVFTA chính thức kết thúc đàm phán, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sadaco tỏ ra phấn khởi cho rằng, DN ngành chế biến gỗ nói chung sẽ được hưởng 3 cái lợi từ Hiệp định này mang lại. Thứ nhất, là sự hỗ trợ của cồng đồng EU cho DN chế biến gỗ tốt hơn (hỗ trợ về năng lực quản lý, quy trình sản xuất…).

Thứ hai là khả năng liên doanh, liên kết của DN Việt Nam và EU cả trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa sẽ chặt chẽ hơn trước. Và thứ ba là, nếu DN Việt Nam làm tốt phần sản xuất, các rào cản thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) sẽ bớt đi.

“Từ ba lợi thế trên, DN ngành chế biến gỗ sẽ có cơ hội để vươn lên tại thị trường EU”, ông Mạnh nói. Được biết, EU vốn là thị trường truyền thống của DN ngành này, nhưng đang có dấu hiệu chững lại trong mấy năm gần đây. Vì vậy, 2 năm sắp tới sẽ là thời gian quyết định để DN chế biến gỗ chuẩn bị nâng công suất nhà máy, đổi mới công nghệ để đón bắt những đơn hàng mới qua đó tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA…

Lo hàng rào kỹ thuật

Với việc EVFTA được ký kết, theo các chuyên gia, các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn tiêu dùng sẽ càng được thắt chặt nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, đồng thời bảo hộ sản xuất tại một số nước thuộc EU.

Đối với ngành da giày, từ trước tới nay thị trường EU vẫn yêu cầu sản phẩm chất lượng cao và phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn an toàn tiêu dùng, quy định về nhãn mác, về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất trong sản phẩm da giày được kiểm soát rất nghiêm ngặt theo danh mục các hóa chất bị cấm hoặc hạn chế sử dụng tại tất cả các nước thuộc khối EU.

Đối với ngành chế biến gỗ, nhiều thói quen sản xuất kinh doanh gỗ của DN cũng như hộ gia đình, làng nghề gỗ của Việt Nam sẽ phải thay đổi khi Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), gọi tắt là VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU được ký kết, dự kiến vào cuối năm 2015.

Còn với ngành may mặc, EVFTA cũng đòi hỏi DN dệt may Việt Nam phải tự chủ về nguyên phụ liệu (theo nguyên tắc xuất xứ từ vải trở đi, nhẹ hơn so với TPP yêu cầu từ sợi trở đi), hoặc nhập khẩu từ các nước EU. Tuy nhiên đa phần các nước EU không phải là những nước cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho ngành dệt may Việt Nam.

Để vượt qua các rào cản phi thuế quan kể trên của EU, nhiều ý kiến cho rằng các DN Việt Nam nói chung cần tìm hiểu kỹ và thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định an toàn tiêu dùng và các tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường EU, và làm việc kỹ với các nhà nhập khẩu EU để tránh những sai sót, vi phạm quy định của EU do không có đủ thông tin cần thiết.

Với thời gian khoảng 2 năm để phê chuẩn EVFTA và tiếp theo là một lộ trình cắt giảm thuế sau khi FTA có hiệu lực, hy vọng các DN Việt Nam có đủ thời gian để nắm bắt các thông tin và cập nhật các quy định và các tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường EU.

Thanh Vũ

Tin đọc nhiều