Chương trình đầu tiên đào tạo cử nhân Fintech ở Việt Nam

15:54 | 20/07/2018

Cuộc CMCN 4.0 đã mở ra cơ hội vàng để Việt Nam “bắt kịp, đi cùng, vượt lên”. Nhưng tại Diễn đàn cấp cao về CMCN 4.0 vừa qua, mọi ý kiến phát biểu đều hướng về yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam làm chủ được cơ hội lịch sử này nhưng cũng là thách thức lớn nhất: nguồn nhân lực chất lượng.

Ngân hàng-Tài chính luôn là lĩnh vực tiên phong áp dụng công nghệ cao, nhưng cũng là lĩnh vực sẽ phải đối diện với những thách thức nhất trước sự biến đổi rất nhanh của công nghệ, càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực. Vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ đổi mới như thế nào, có những lựa chọn nào cho các học sinh đang sắp bước chân vào đại học. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn với TS. Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân).

CMCN 4.0 đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị ở các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng. Thế nhưng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng - Tài chính phải thay đổi để bắt kịp xu hướng này. Vậy Viện có thay đổi nào mới nhất để theo kịp đòi hỏi của CMCN 4.0?

Thay đổi mới nhất là chương trình đào tạo Cử nhân Công nghệ Tài chính (Fintech) đầu tiên tại Việt Nam đang được tuyển sinh. Đây là chương trình đào tạo hợp tác của Trường Đại học Kinh tế quốc dân với Trường Đại học Á Châu Đài Loan nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động Fintech, qua đó giúp Việt Nam hội nhập kịp thời và thành công trong CMCN 4.0.

Tại sao Fintech đang được xem là xu thế của tương lai, thưa ông?

Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ tài chính bắt đầu nổi trội trong khoảng 2 năm trở lại đây. Thuật ngữ Fintech là sự kết hợp của “Finance – tài chính” và “Technologie – công nghệ”, nhằm chỉ những sáng kiến sử dụng công nghệ để tái định nghĩa lại các dịch vụ tài chính và ngân hàng.

Mục tiêu của Fintech là biến lĩnh vực tài chính trở nên đơn giản và dễ tiếp cận hơn, bằng cách đưa ra các dịch vụ mới có chất lượng cao và chi phí thấp hơn. Fintech cũng giúp cho tài chính trở nên toàn diện hơn, thâm nhập vào những khu vực mà tài chính truyền thống còn gặp nhiều khó khăn và rào cản, qua đó trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.

Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã chứng kiến những thay đổi nhiều hơn khoảng thời gian 200 năm trước đó. Kiến thức của nhân loại được coi là tăng gấp đôi sau 4 năm và Fintech có lẽ sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình này.

Chương trình cử nhân Fintech có những điểm mới gì so với các chương trình đào tạo hiện nay?

Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam về Fintech. Mô hình đào tạo 2+2 cho phép sinh viên được tiếp cận kiến thức đa dạng với 2 năm học tại trường Kinh tế quốc dân và 2 năm ở nước ngoài. Những môn học tại Đài Loan hiện nay chưa có tại Việt Nam, nên đảm bảo cho sinh viên sự vượt trội về kiến thức so với đào tạo đơn thuần trong nước. Trong 2 năm đầu, trường Kinh tế quốc dân sẽ chuẩn bị cho các em những kiến thức cơ bản để đủ khả năng học tiếp tại Đài Loan.

Nhưng trước hết, các kiến thức được đào tạo có đủ để cử nhân Fintech làm được các công việc truyền thống tại các định chế tài chính hiện nay hay không?

Bên cạnh những kiến thức mới liên quan đến CMCN 4.0 (như Big Data, internet vạn vật...), kiến thức lõi được tập trung đào tạo là tài chính. Sinh viên được đào tạo để đảm bảo thích nghi với các công việc truyền thống, song song với đó là đón đầu tri thức và cách thức tư duy mới. Nhờ đó người học không chỉ nắm bắt được những kiến thức đã có, mà còn sở hữu những kiến thức về công nghệ tài chính để đáp ứng được các công việc sẽ phát sinh trong tương lai.

Theo thống kê, hai nhóm ngành ứng dụng công nghệ Fintech nhiều nhất hiện nay là ngân hàng và bảo hiểm, ngoài ra cũng bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực chứng khoán. Đào tạo chuyên ngành này về bản chất là sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ, sinh viên được đào tạo ở Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Á Châu chuyên sâu hơn về tài chính. Trong đó, các môn học mà cử nhân tài chính truyền thống được đào tạo cũng sẽ xuất hiện trong chương trình này.

Sinh viên có thể kỳ vọng gì ở chất lượng đào tạo và khả năng cạnh tranh sau khi tốt nghiệp, thưa ông?

Đây là điều quan tâm nhất của ban điều hành trường Đại học Kinh tế quốc dân khi thiết kế chương trình này. Môi trường học tập tại Đài Loan đứng hàng đầu châu Á, trong đó trường Đại học Á Châu đạt chuẩn AACSB, thuộc nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu của thế giới.

Quan điểm đào tạo là ưu tiên đảm bảo chất lượng với quy mô đào tạo tối đa là 40 sinh viên mỗi khóa. Đào tạo mang tính chất định hướng ứng dụng nhằm mục tiêu sinh viên ra trường có khả năng đi làm ngay tại các định chế tài chính. Bên cạnh đó, trải nghiệm giáo dục chất lượng ở trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Á Châu đảm bảo cho sinh viên có khả năng học thuật cao khi ra trường, có thể chuyển đổi lên các bậc học cao hơn ở các trường đại học đẳng cấp của thế giới.

Nghĩa là cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên khi ra trường sẽ rộng mở?

Việt Nam đã bắt đầu nói về CMCN 4.0 nhưng phần lớn doanh nghiệp đều chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, xu thế hội nhập là không loại trừ ai và chúng ta buộc phải thích nghi. Tại thời điểm này, có thể nói Việt Nam còn khoảng 4 năm nữa để chuẩn bị và đây là cơ hội nghề nghiệp tiềm năng cho các em sinh viên trong tương lai.

Theo thống kê sơ bộ, thu nhập của những cá nhân làm việc liên quan đến Fintech tương đối hấp dẫn, hiện tại là khoảng 1.000 USD đối với cá nhân nắm được đồng thời các kiến thức tài chính và công nghệ. Ngoài ra, do xu hướng phổ cập tài chính, cử nhân chuyên ngành công nghệ tài chính không chỉ giới hạn công việc tại các định chế tài chính, mà ngành nghề này còn bao phủ rất nhiều các công việc khác trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê thực hiện

Tin đọc nhiều