Chuyển đánh lớn sang đánh nhỏ?

09:40 | 15/06/2015

Chưa thời điểm nào, các DN phân phối ô tô trong nước lại phát triển mạnh như hiện nay. Hầu hết các DN hoạt động trong ngành bán lẻ ô tô ngoài việc mở rộng quy mô, tăng nhập khẩu, đều đang đẩy mạnh phát triển phân khúc nhập linh kiện lắp ráp.

Cạnh tranh gia tăng mạnh trong ngành

Ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) cho biết, trước nay công ty chủ yếu phân phối dòng xe vận tải thương hiệu Dongfeng nên hưởng lợi từ chính sách siết chặt tải trọng xe vận tải của Bộ GTVT trong năm 2015.

Năm nay, HHS đẩy mạnh đầu tư mở rộng quy mô bán lẻ sản phẩm vì năm ngoái, Quỹ Gem đã thỏa thuận đầu tư vào HHS với tổng giá trị đầu tư khoảng 16 triệu USD. Hiện tại, HHS có bộ máy hoạt động nhỏ gọn với 20 nhân viên nhưng doanh thu và LNST theo kế hoạch 2015 lần lượt là 1.500 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,4% và 3,7% so với năm 2014.

chuyen danh lon sang danh nho
Yếu tố giá đang là ưu điểm nổi trội của mảng phân phối xe lắp ráp trong nước

CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) có thị phần tương đối lớn trong ngành phân phối xe ô tô tại Việt Nam, đặc biệt là dòng xe con với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Ford, Toyota, GM, Suzuki, Hyundai cũng cho biết có những chiến lược đẩy mạnh thị trường.

Cụ thể, SVC tận dụng ưu thế của một số dự án BĐS để hỗ trợ mảng phân phối xe ô tô. Theo lãnh đạo của SVC, thương vụ chuyển nhượng hai dự án BĐS Savico Plaza ở Phổ Quang và Hồ Tùng Mậu, nếu thành công, sẽ mang lại lợi nhuận bất thường trong năm 2015. Sau đó, công ty dự kiến thoái vốn khỏi các dự án BĐS để tập trung các mảng có biên lợi nhuận cao như hệ thống dịch vụ, sửa chữa và cung cấp linh kiện ô tô.

Trong khi đó, một “tân binh” là CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long (HTL) chuyên kinh doanh dòng xe vận tải và xe chuyên dùng như xe cẩu, xe trộn bê tông, xe ép rác, xe thùng kín, xe đông lạnh... là đại lý cho Công ty Hino Motors và là nhà phân phối cẩu Tadano cũng đang thể hiện thế mạnh. Với lợi thế không có vay nợ, chi phí lãi vay/doanh thu của DN ở mức rất thấp, HTL tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu xe từ thị trường Nhật Bản để hưởng lợi khi tỷ giá đồng Yen Nhật giảm (đồng Yen giảm hơn 8% so với USD trong năm 2014).

Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Chủ tịch HĐQT HTL cho biết, trong năm 2015, công ty có phương án mở rộng hệ thống phân phối bằng việc thành lập chi nhánh miền Trung tại Đà Nẵng. HTL tập trung vào phân khúc xe chuyên dùng như xe ép rác, xe mui bạt, xe trộn bê tông... nên tránh được các đối thủ lớn trực tiếp trong cùng ngành như Thaco, Vinamotor, VEAM...

Dựa theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), có thể thấy chỉ số bán lẻ hàng hóa Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt tăng trưởng đột biến lên đến 11,9% trong tháng 1/2015 (sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát). Tín hiệu này cho thấy dấu hiệu tích cực đầu tiên của ngành bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong năm 2015. Trong đó, mảng bán lẻ ô tô được đánh giá có sự tăng trưởng đáng kể nhờ mối liên kết chặt chẽ với ngành ô tô.

Tăng nội địa hóa

Thực tế, trong các năm 2013-2014, ngành ô tô chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi tốc độ tăng trưởng trong hai năm này lần lượt đạt 20% và 40% (theo báo cáo của VAMA). Triển vọng này càng được khẳng định trong năm 2015 dựa vào các yếu tố như: Nhu cầu tín dụng ô tô được cải thiện nhờ lãi suất thấp và ổn định (từ 7-9% đối với các khoản vay ngắn và trung hạn); Chính sách siết chặt tải trọng xe vận tải qua Thông tư 06/VBHN-BGTVT kết hợp các quy định về hình thức xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP; Cơ sở hạ tầng được quan tâm hơn thông qua việc nâng chính sách đầu tư công (huy động 30-35% GDP cho đầu tư phát triển)…

Với nền tảng có được, các DN hoạt động trong mảng bán lẻ ô tô đang đạt được kết quả tích cực ở mảng phân phối xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước. Đối với mảng xe nhập khẩu, riêng các DN phân phối dòng xe thương mại (CV) như xe tải, xe ben và xe đầu kéo… đang có mức tăng trưởng tốt nhất nhờ hưởng lợi từ luật siết chặt tải trọng cấm xe vận tải quá tải quá khổ, và thuế nhập khẩu xe ô tô giảm xuống mức 50% từ năm 2014.

Tuy nhiên, các DN cho biết trong năm 2015 này sẽ chú trọng đẩy mạnh mảng phân phối xe lắp ráp trong nước ở cả hai phân khúc xe thương mại (CV) và xe du lịch (PV) hơn là xe nhập khẩu. Cũng theo bà Diễm, giá bán của các sản phẩm lắp ráp trong nước thường thấp hơn các sản phẩm nhập khẩu do hàng rào thuế quan. Yếu tố về giá do vậy được xem là ưu điểm nổi trội nhất của mảng phân phối xe lắp ráp trong nước. Đáng chú ý, chênh lệch về giá giữa dòng xe du lịch (PV) nhập khẩu và lắp ráp trong nước được cho là sẽ nới rộng trong dài hạn.

Chưa kể, Bộ Công Thương vốn có đề xuất cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe du lịch (PV) lắp ráp trong nước với dung tích thấp (dưới 2,0L) và nâng mức thuế này đối với dòng xe du lịch (PV) nhập khẩu phân khúc cao cấp thường có dung tích cao (trên 3,0L).

Tuy tạm thời do luật sửa đổi bổ sung một số điều của thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được thông qua nên đề xuất này chưa được áp dụng trong năm 2015 nhưng Chính phủ cũng đã công bố sẽ xem xét ban hành lộ trình giảm thuế đối với các sản phẩm xe hơi và xe vận tải sau ba năm nữa.

Nhìn chung, thuế nhập khẩu ưu đãi cho các xe khu vực ASEAN theo Hiệp định thương mại hàng hóa Việt Nam ASEAN (ATIGA) cùng với nhu cầu tín dụng dành cho xe ô tô tăng trưởng tốt do lãi suất ổn định và ở mức thấp (trung bình ở mức 7-9% đối với các khoản vay ngắn và trung hạn) là nhân tố chính giúp cho thị trường bán lẻ ô tô tăng trưởng mạnh.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều