Chuyển đổi để tối ưu hoá hiệu quả

14:05 | 09/07/2018

Tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm chi phí trong kinh doanh là những mục tiêu DN hướng đến khi chuyển đổi số.

Định hướng phát triển kinh tế số cho Việt Nam
Hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu thời đại kỹ thuật số

Tại Hội thảo về chuyển đổi số trong sản xuất diễn ra mới đây ở TP. Hồ Chí Minh ông Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Dệt sợi Phương Nam cho biết, trong thời đại công nghệ kỹ thuật số hiện nay, mọi vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh từ những điều cơ bản nhất như nhập hàng hóa chủng loại gì, khối lượng bao nhiêu, hay vào thời điểm nào... đều có tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Người quản lý, lãnh đạo công ty phải tính toán hết sức cẩn trọng, chi tiết, bởi mỗi quyết định đưa ra đều gắn liền với chi phí, lợi nhuận.

chuyen doi de toi uu hoa hieu qua
Số hóa sẽ giúp DN kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn

Chính vì vậy, những thông tin chính xác về thị trường là vô cùng quan trọng. Hiểu rõ vấn đề này, Công ty Phương Nam đã quyết định đầu tư vận hành thêm nhà máy mới áp dụng quy trình quản lý theo công nghệ kỹ thuật số để đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu nhất, cũng như tránh những rủi ro trong quá trình sản xuất.

Điều này nằm trong xu thế chung mà nhiều DN sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực đang áp dụng nhằm tối ưu hóa hoạt động, gia tăng doanh thu lợi nhuận. CTCP Tập đoàn hải sản Minh Phú đặt mục tiêu tăng trưởng 20% - 30%/năm và đã mạnh dạn đầu tư để tự động hóa trong sản xuất. “Nhiều DN e ngại chi phí đầu tư đắt đỏ khi chuyển sang quản lý công việc bằng công nghệ số. Nhưng trên thực tế, về lâu dài việc này đem lại nhiều lợi ích lớn và lâu dài cho DN” – ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Minh Phú chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH nệm Vạn Thành sản xuất nệm gối cao su thiên nhiên tại TP.HCM đã triển khai giải pháp SAP Business One. Nhờ đó, hiện nay nệm Vạn Thành đã có thể kiểm soát dữ liệu kinh doanh, sản xuất, cung cấp báo cáo nhanh… hơn so với trước kia.

Ông Trương Khánh Vân, Phó giám đốc Công ty TNHH nệm Vạn Thành cho biết, công ty có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu 22%, cao hơn hẳn so với làm theo quy trình thủ công trước đây, cũng như cắt giảm được 17% chi phí tồn kho, rút ngắn thời gian hoàn thành một đơn hàng, cải thiện chất lượng trải nghiệm của khách hàng khi mua sản phẩm.

Nghiên cứu của Microsoft và IDC Châu Á/Thái Bình Dương thực hiện đánh giá tác động của chuyển đổi số đối với ngành sản xuất cho thấy thực hiện chuyển đổi số là một đòi hỏi cấp thiết đối với các nhà sản xuất. Những DN tiên phong trong chuyển đổi số đã đạt được những tăng trưởng về mặt năng suất, lợi nhuận và chi phí từ 13% đến 17% trong năm ngoái. Và sẽ còn được cải thiện thêm ít nhất 40% trong vòng 3 năm tới, trong đó sự ủng hộ của khách hàng được dự đoán có tỷ lệ cải thiện cao nhất.

Rõ ràng, các DN đã dần nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu khi 44% DN khẳng định điều này trong một KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) mà họ hiện sử dụng để đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số, và dữ liệu được sử dụng như một tài sản vốn.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, trong thời gian tới các DN sản xuất sẽ chú trọng hơn đầu tư vào công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu lớn, sau đó là các giải pháp Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Nhận thức (Cognitive), Robot và Internet vạn vận. Tới năm 2019, IDC dự đoán rằng 40% sáng kiến chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ bởi khả năng Nhận thức/Trí tuệ nhân tạo, giúp cung cấp các thông tin quan trọng, kịp thời cho các mô hình vận hành mới ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Lucky Gani, Giám đốc Tiếp thị và Vận hành Microsoft Việt Nam nhận định: “Các DN sản xuất cần phải giải quyết các thách thức về văn hóa và kỹ năng thông qua việc phát triển một nền văn hóa kỹ thuật số, đồng thời xác định những thay đổi cần thiết về tổ chức để tạo điều kiện cho chuyển đổi này diễn ra hiệu quả. Quan trọng hơn, DN nên chủ động cải thiện kỹ năng số cần thiết cho các nhân viên để bắt kịp xu thế chung”.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều