Cổ đông chiến lược là động lực thúc đẩy

16:00 | 29/11/2017

Tách bạch kế hoạch cổ phần hóa DN với tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và tạo sự linh hoạt trong quá trình này, là những yếu tố có thể thúc đẩy cổ phần hóa trong thời gian tới. 

Có thêm phương thức bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa DNNN
Cổ phần hóa: Không phải có tiền là làm được tất
Chặn thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa

Thu hút cổ đông chiến lược, đặc biệt thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài, được coi là "chìa khóa" thành công của quá trình cổ phần hóa, cải cách, đổi mới DNNN. Nhưng thực tiễn triển khai trong thời gian qua cho thấy, kết quả chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Thậm chí, việc chọn cổ đông chiến lược còn trở thành nguyên nhân kéo chậm kế hoạch cổ phần hóa.

Giai đoạn 2011-2016, có 46 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng vốn điều lệ hơn 171 nghìn tỷ đồng, trong đó phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược hơn 28 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% vốn điều lệ DN sau cổ phần hóa. Nhưng kết quả, chỉ bán được hơn 12 nghìn tỷ đồng, đạt chưa đến 50% số được phê duyệt. Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không đạt kế hoạch là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian triển khai cổ phần hóa ở nhiều DNNN.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chúng ta phải tiếp cận lại vấn đề cổ phần hóa và bán cổ phần chiến lược, cổ phần hóa là cổ phần còn khi bán cho cổ đông chiến lược nên tách riêng ra để đảm bảo quá trình cổ phần hóa và tìm kiếm cổ đông chiến lược phù hợp hơn, chứ gắn vào cùng phương án cổ phần hóa, ngay khi xây dựng phương án cổ phần hóa đã tiên lượng nhà đầu tư chiến lược thì bị kéo dài và bán lần đầu gắn cổ đông chiến lược dẫn đến không tìm được hoặc tìm được thì giá bán.

co dong chien luoc la dong luc thuc day
Việc bán vốn cần linh hoạt theo đặc thù của từng DN

Chủ trương cổ phần hóa cũng cho thấy, trong những ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ thì không cần giữ cổ phần chi phối tại DN cổ phần hóa, thậm chí là thoái ngay 100% vốn nhà nước tại DN. Khi đó, việc tham gia của nhà đầu tư nên dựa trên nguyên tắc thị trường và nhu cầu đánh giá của nhà đầu tư về quy mô, ngành nghề, tiềm năng giá trị sinh lời trong tương lai của DN. Do đó, sẽ là không hợp lý nếu áp dụng chung các tiêu chí quá chặt về tìm nhà đầu tư chiến lược, như: chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu sau 3 năm, yêu cầu phải hướng tới đổi mới quản trị công ty, phải thực hiện chuyển giao công nghệ, phải đầu tư đường dài...

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhìn nhận, việc bán vốn cần linh hoạt theo đặc thù của từng DN. “Tôi nghĩ thu hút cổ đông chiến lược nên là phương án may đo chứ không phải may đồng phục, mỗi DN rất khác nhau không có phương án nào giống nhau cả nên cách tiếp cận cần rất linh hoạt chứ hành chính nhà nước là không giải quyết được”, ông Cung cho hay.

Như vậy, tách bạch kế hoạch cổ phần hóa DN với tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và tạo sự linh hoạt trong quá trình này, là những yếu tố có thể thúc đẩy cổ phần hóa trong thời gian tới. Bởi dựa trên nguyên tắc đó, vẫn có thể đảm bảo những DN cổ phần hóa trọng điểm sẽ có định hướng tìm nhà đầu tư chiến lược dài hơi. Còn nếu cứ yêu cầu chỉ trong thời gian ngắn phải tìm được nhà đầu tư chiến lược theo đúng tiến độ kế hoạch cổ phần hóa đặt ra, sẽ tạo áp lực và tạo ra “thế” thiệt thòi cho DN cổ phần hóa trong quá trình đàm phán. Còn với DN cổ phần hóa mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, sự linh hoạt và tăng tính thị trường chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa cũng như “gọi mời” nhà đầu tư chiến lược, thực chất là nhà đầu tư có tính “sở hữu”, tức là người chủ mới của DN.

Hiếu Trung

Tin đọc nhiều