Cơ hội hợp tác đến từ Hồng Kông

08:50 | 24/07/2015

Gần đây, các DN Hồng Kông đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa. 

Nhằm đón đầu cơ hội từ việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), CTCP may Sơn Việt đã xây thêm nhà máy thứ ba chuyên sản xuất, may mặc đồ lót dành cho phụ nữ, tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Có diện tích 3.000 m2, tổng mức đầu tư 1 triệu USD, công suất khoảng 200.000 sản phẩm/tháng. Các lãnh đạo Sơn Việt kỳ vọng sản phẩm làm ra có thể lan tỏa sang các thị trường ASEAN, tuy nhiên, chiến lược này đang đối mặt với nhiều thách thức.

co hoi hop tac den tu hong kong
Nhiều DN Hồng Kông đầu tư vào thị trường Việt Nam

Ông Hà Xuân Anh, Giám đốc Công ty Sơn Việt cho biết, do quá trình sản xuất sản phẩm đồ lót dành cho nữ của công ty đi sau các nước trong khu vực, mà cụ thể là Malaysia, nên năng suất lao động thấp hơn, giá thành cao hơn. Những hạn chế này khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm đương nhiên còn yếu.

Để giải bài toán này, công ty đã phải tìm kiếm đối tác Malaysia để hợp tác nhằm học hỏi kinh nghiệm, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí đầu vào, tối đa hóa lợi nhuận. “Mình thua người ta thì chỉ có hợp tác mới giải quyết được vấn đề”, ông Hà Xuân Anh cho biết.

Cũng thất bại trong chiến lược “đơn thương độc mã” phát triển thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất thang máy Thiên Nam chia sẻ, do khả năng marketing ở thị trường ngoại của DN Việt Nam còn chưa tốt, nên Thiên Nam đã chọn giải pháp là bắt tay với đối tác Thái Lan để vừa được hỗ trợ bán sản phẩm ở thị trường này, vừa giúp công ty xuất khẩu sang thị trường nhiều tiềm năng Myanmar…

Trường hợp của Sơn Việt và Thiên Nam cho thấy, DN Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị năng lực để nắm bắt cơ hội khi AEC hình thành. Tuy nhiên, do vừa yếu về tài chính, khả năng thiết kế sản phẩm cộng với việc marketing sản phẩm ra thị trường nước ngoài còn hạn chế đang khiến cho việc chinh phục thị trường 600 triệu dân của AEC không hề đơn giản đối với các DN Việt.

Mặt khác, việc tổ chức được sản xuất với chi phí nhân công rẻ, cùng với nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, đang hút các đối tác trong khu vực tìm đến Việt Nam.

Gần đây, các DN Hồng Kông đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa.

Phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Sáng tạo để Thành công: Kinh nghiệm từ Hồng Kông”, do Cục Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC) vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Yeung, Chủ tịch Hiệp hội chuyên gia thiết kế công nghiệp của Hồng Kông cho rằng, điều quan trọng đối với các DN Việt Nam là khi đổi mới một sản phẩm với mục tiêu cắt giảm chi phí, thì không thể làm cho sản phẩm đó có chất lượng kém hơn, mà cần biến thách thức thành cơ hội.

Theo đó, DN nên ứng dụng những công nghệ tiên tiến với chi phí vừa phải và có thể thay đổi cả thiết kế bên ngoài của sản phẩm cho nhỏ gọn hơn. Vì đó vừa là một cách tiết kiệm chi phí, vừa đổi mới, sáng tạo ra một sản phẩm mới, và như vậy sẽ đem lại hiệu ứng không nhỏ cho việc bán sản phẩm ra thị trường. Đó chính là “tư duy thay đổi trên nền tảng cũ”.

Trên thực tế, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Do đó, đến nay Hồng Kông đã có khoảng 37.000 DN trong lĩnh vực này, với tổng số khoảng hơn 200.000 người đang hoạt động.

Bà Shirley Wong, Giám đốc Đông Dương của HKTDC cho hay: “Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi tin rằng Hồng Kông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam tăng cường sức mạnh thương hiệu, và tạo ra những thiết kế sản phẩm tốt nhất nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Có thể thấy rằng, việc DN Hồng Kông đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội hợp tác với DN Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế cũng là cơ hội tốt để giúp DN Việt nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, qua đó dần bắt kịp với xu hướng hội nhập sắp tới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Hồng Kông là đối tác đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam, với 918 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 16,2 tỷ USD, tính đến tháng 6/2015.

Về thương mại, Việt Nam xuất siêu khá lớn sang Hồng Kông. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng năm 2015, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,2 tỷ USD sang Hồng Kông, trong đó các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại, máy ảnh, máy quay phim, hàng dệt may…

Trong khi đó, Việt Nam chỉ nhập khẩu xấp xỉ 661 triệu USD từ đối tác này trong 6 tháng năm 2015, chủ yếu là vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Các phân tích trên danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên cũng cho thấy khả năng liên kết chuỗi có thể hiện thực. Đặc biệt là tiềm năng hợp tác còn nhiều dư địa, với Hồng Kông có thể làm đối tác trung chuyển hàng Việt ra thế giới.

Thanh Vũ

Tin đọc nhiều