Cơ hội phát triển công nghiệp chế biến

08:49 | 12/05/2017

Khu vực Tây Nguyên được đánh giá là “cái vựa” của các loại cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, cao su, điều, sắn, mía đường… Có thể nói, đây là lợi thế rất lớn cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. 

Đầu tư 1.500 tỷ đồng xây Nhà máy chế biến rau quả
Chế biến để nâng tầm nông sản

Tiềm năng lớn

Tuy nhiên, nhiều năm qua, tiềm năng to lớn này vẫn chưa được phát triển đúng tầm của tiềm năng vốn có. Thực trạng hiện nay cho thấy, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của khu vực này đều được xuất khẩu dưới dạng chế biến thô (sơ chế), làm giảm giá trị gia tăng vốn có của các sản phẩm.

co hoi phat trien cong nghiep che bien
Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần thứ 4 rằng, Tây Nguyên với khí hậu ôn hoà, quỹ đất canh tác nông nghiệp lớn, tạo cho khu vực này những lợi thế để phát triển chuyên canh cây công nghiệp. Đó là điều kiện thuận lợi nhất để ngành công nghiệp chế biến của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên bứt phá.

Từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương Tây Nguyên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, mặc dù vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Song về cơ bản ngành công nghiệp chế biến tại khu vực này vẫn có những nền tảng căn cơ để tin rằng rồi đây sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của cả vùng khi sự hội nhập toàn cầu của nền kinh tế đang mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu các sản phẩm.

Đơn cử, tại tỉnh Gia Lai hiện có trên 100 nghìn ha cao su, với sản lượng 93.500 tấn mủ khô/năm; khoảng 80 nghìn ha cà phê, với sản lượng gần 200 nghìn tấn cà phê nhân/năm… Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sản lượng chất lượng ngày càng tăng lên, các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ giúp Gia Lai kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố ở các khu vực ngoài Tây Nguyên.

Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được đầu tư đồng bộ đang là điều kiện không thể thuận lợi hơn để Gia Lai có thể phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Đầu tư kịp thời

Trước tình hình giá cao su sụt giảm trong những năm qua trên thị trường quốc tế, để khắc phục hạn chế này, giảm rủi ro cho DN, một số DN đã tập trung đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm mủ cao su sâu hơn. Điều đó cho thấy, thị trường không ổn định, không có nghĩa các DN không có những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động DN.

TS. Lê Đức Tánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (Gia Lai) cho rằng, ngành cao su khó khăn thì ai cũng có thể thấy rõ. Nhưng khó không có nghĩa là không có cách khắc phục để mang lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, mang lại cơm áo cho hàng ngàn người lao động.

Theo TS. Tánh, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh hiện quản lý trên 13.115ha cao su, trong đó tại Việt Nam gần 10.000ha và Campuchia 3.190 ha; diện tích khai thác 6.680,4ha. Mặc dù trong điều kiện chịu sự tác động tiêu cực của thị trường trong những năm qua. Song DN có những giải pháp tích cực để khắc phục những khó khăn khách quan.

Niên vụ vừa qua, DN khai thác hơn 9.000 tấn; thu mua 397 tấn; chế biến 9.602 tấn; tiêu thụ 9.202 tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa gần 400 tấn, xuất khẩu trực tiếp trên 8.800 tấn, kim ngạch xuất khẩu 20,358 triệu USD, thị trường xuất khẩu chủ yếu Trung Quốc và Đài Loan. Có được kết quả đó, cũng chính nhờ sự đầu tư nhà máy chế biến kịp thời; giảm được sản lượng mủ cao su xuất thô.

Trước những tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tây Nguyên có đến gần 2 triệu hecta đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… (chiếm 80% diện tích cà phê cả nước). Đây là những cây công nghiệp quan trọng. Nhưng có một thực tế, nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô. Giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới.

Thủ tướng dẫn chứng, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, và chủ yếu sản xuất hạt tiêu đen. Trong khi hạt tiêu trắng và hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen nhưng chưa sản xuất được bao nhiêu, chưa kể đến việc chế biến dược liệu từ hồ tiêu. Hay như cà phê, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu lớn thứ hai thế giới nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân…

Trước những hạn chế của Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở một số giải pháp như, phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn. Đặc biệt, phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Cùng đó là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện nghiêm công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Công Thái

Tin đọc nhiều