Cổ phần hóa: Đến cuối con đường khó đi nhanh

09:16 | 16/03/2015

Số DNNN cần CPH đến thời điểm này đa phần là DN lớn nên số lượng công ty trực thuộc nhiều và tổng số vốn phải thoái lên đến hàng trăm tỷ đồng nên để xử lý về hồ sơ, thủ tục cũng rất phức tạp.

Loay hoay tái cơ cấu DNNN

Con số 21 DNNN thuộc TP. Hồ Chí Minh phải cổ phần hóa (CPH) trong năm nay không phải quá lớn. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra lại không hề dễ dàng. Ông Phạm Minh Trí, Trưởng ban Đổi mới quản lý DN thành phố nhìn nhận: Quá trình CPH tại các DNNN gặp khó khăn, vướng mắc, chủ yếu rơi vào những DN đầu tư dàn trải, ngoài ngành, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Còn lại, một số DN thời gian trước làm ăn thua lỗ nên còn vướng mắc về tài chính, thuế dẫn đến chưa hoàn thiện về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ…

Theo Ban Đổi mới quản lý DN TP. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 21/21 DNNN cần CPH trong năm nay đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo CPH; 19/21 DN đã có công văn chọn đơn vị tư vấn; 11/21 DN đã có quyết định giao tài sản để thực hiện CPH.

Tuy nhiên, không ít DNNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thừa nhận đang gặp một số vướng mắc trong quá trình CPH. Do số DNNN cần CPH đến thời điểm này đa phần là DN lớn nên số lượng công ty trực thuộc nhiều và tổng số vốn phải thoái lên đến hàng trăm tỷ đồng nên để xử lý về hồ sơ, thủ tục cũng rất phức tạp.

Cho đến nay, mới chỉ có 2/21 DN có quyết định công bố giá trị DN. Như vậy, với tổng số vốn Nhà nước trên 3.600 tỷ đồng mà các DNNN trên địa bàn đang đầu tư ngoài ngành bắt buộc sẽ phải thoái hết vào thời điểm cuối năm nay theo đúng lộ trình mà UBND TP. Hồ Chí Minh đặt ra là khá khó khăn. Trong khi, mục tiêu đặt ra rất gấp gáp.

Bàn về nguyên nhân tiến trình CPH DNNN đến nay còn chậm, theo TS. Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tiến trình này bị chậm trễ.

Trong đó, các bất cập chủ yếu liên quan đến việc định giá đất để đưa vào giá trị DN CPH; hay quy định của Luật Phá sản còn nhiều điểm chưa hợp lý, nên việc phá sản DN gặp khó khăn, dây dưa, kéo dài; một số DN hoạt động kém hiệu quả sau khi sáp nhập sẽ ảnh hưởng không tốt đến DN nhận sáp nhập…

Là một trong những đơn vị phải thực hiện xong tiến trình CPH trong năm nay, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) may mắn không có vướng mắc về vấn đề tài chính, do hoạt động kinh doanh của công ty trong những năm qua khá tốt và ổn định.

Ông Trần Tấn An, Phó tổng Giám đốc Vissan cho biết, công ty cũng có thành viên nằm trong Ban đổi mới quản lý DN để theo sát tiến trình CPH, nhưng khâu thẩm định, giấy tờ thủ tục tiến hành chuyển đổi vẫn còn phức tạp, khó khăn.

co phan hoa den cuoi con duong kho di nhanh
Cổ phần hóa DNNN vướng mắc trong khâu thẩm định giá trị DN

Thoái vốn cũng không dễ

Với các DN đã chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, câu chuyện lúc này là thoái thêm vốn Nhà nước. Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một trong những trường hợp phải thoái vốn mạnh trong thời gian tới. Bộ Công Thương đang lên phương án bán 53% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại DN này để trình Chính phủ xem xét. Theo đó, sở hữu Nhà nước tại Sabeco sẽ giảm từ 89% xuống 36%.

Tại thời điểm này có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của Sabeco, trong đó có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ)… Còn trong nước là CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI, CTCP Tư vấn Ánh Dương, CTCP Tập đoàn Đức Bình. Trong số những đơn vị trên, Bộ Công Thương dự kiến sẽ chọn 1 - 2 nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết: Chúng tôi chưa định giá cụ thể như thế nào.

Tương tự, với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), trong năm 2015 nhiệm vụ của UBND TP. Hồ Chí Minh đặt ra đối với Satra khá nặng nề khi phải thoái hơn 665 tỷ đồng tổng số vốn Nhà nước tại các đơn vị thành viên.

Để làm được điều này, Satra đang rốt ráo tiến hành hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đổi mới, cơ cấu lại bộ máy, thậm chí xóa sổ một số công ty con kinh doanh kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ. Cụ thể, Satra sẽ bán đứt 32 công ty, bán một phần vốn của 6 công ty con và tiến hành giải thể 5 công ty con.

Ông Trần Thành Nam, Phó tổng giám đốc Satra cho biết, đến nay, một đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty là Satra Tiền Giang đã được một đối tác lớn trên thị trường mua lại 70% và đưa vào quá trình vận hành mới. Song bên cạnh đó, có công ty dù đã đưa ra chào bán nhưng chưa “thoát xác” được, phần vốn Nhà nước còn đến trên 99%.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, hiện nhiều DNNN vẫn còn trong tình trạng loay hoay sắp xếp chứ chưa có kế hoạch rõ ràng sau khi đã CPH xong. Nhiều CTCP phải thoái vốn Nhà nước trong năm nay cũng cho biết thực tế đang còn loay hoay, vướng mắc trong khâu thẩm định giá trị DN. Chủ yếu là chưa thống nhất được giữa ban lãnh đạo công ty và đơn vị tư vấn về những tài sản hữu hình và vô hình của DN dẫn đến không xác định đúng giá trị, thậm chí là e ngại trách nhiệm sau này.

“Khó khăn nhất đối với việc CPH của DN lúc này là làm sao xác định được giá trị của DN cũng như tìm đối tác chiến lược để quá trình CPH được diễn ra thuận lợi, phần vốn thu về đảm bảo đúng giá trị ”, ông Nam nói.

Theo TS. Trần Du Lịch, năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do mới (FTA) sẽ được thông qua, nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh cho các DN ngày càng gay gắt hơn. Chính vì vậy, người đứng đầu các DN CPH cần phải tính toán, lên kế hoạch rõ ràng, định giá thương hiệu, chọn được các nhà đầu tư chiến lược phù hợp với định hướng phát triển của mình. Sao cho sau khi CPH, thương hiệu của DN ngày càng được giữ vững, phát triển…

Thanh Tuyết

Tin đọc nhiều