Cổ phần hoá DN công ích: Đẩy nhanh có chắc đã tốt?

08:53 | 27/07/2015

Chỉ cổ phần hóa mà không tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng có thể gây méo mó thị trường.

Mặc dù ủng hộ cho quá trình xã hội hoá các dịch vụ công trong thời gian tới, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng quá trình này, cùng với việc cổ phần hoá (CPH) các DN công ích cần được thực hiện thận trọng. Bởi đây là những DN cung cấp sản phẩm dịch vụ đặc thù, phục vụ nhu cầu số đông, do đó cần có chính sách thực hiện phù hợp để tránh ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

co phan hoa dn cong ich day nhanh co chac da tot
Xã hội hoá dịch vụ y tế phải tạo cơ chế để bệnh viện tư nhân mở ra nhiều hơn

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cả nước hiện có khoảng hơn 300 DN công ích cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, cấp nước, chiếu sáng… Nhìn chung, để thực hiện CPH khối DN này một cách hiệu quả, các ý kiến đều cho rằng cần có sự phân định nhóm dịch vụ sản phẩm có sự điều tiết của Nhà nước, với nhóm dịch vụ sản phẩm mà thị trường có thể cung ứng hoàn toàn.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, các dịch vụ như chiếu sáng, cấp điện, thoát nước, môi trường… có thể coi là sản phẩm công ích và thành lập các DN tư nhân cung ứng sản phẩm công ích, chứ không nhất thiết phải có DN công ích hoạt động.

Theo ông Kiên, đây là những sản phẩm dịch vụ phục vụ số đông, có thể tiến hành đấu thầu, lựa chọn DN cung cấp. Chi phí chi trả từ nguồn thu thuế của người dân, do Nhà nước đứng ra thực hiện. Do đó, đây là nhóm DN có thể mạnh tay tiến hành CPH trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với một số lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục, thì quan điểm nhìn nhận lại có sự khác biệt. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch quả quyết, sự nghiệp y tế, giáo dục là sự nghiệp của Nhà nước, sự chỉ đạo về chính sách, cách nhìn, phát triển là do Nhà nước hoạch định chứ không phải thị trường. Ngay cả nước Mỹ, khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, đây không phải lĩnh vực mà Nhà nước bỏ vốn đầu tư, nhưng chính sách chi phối trách nhiệm ở lĩnh vực này là của Nhà nước chứ không phải thị trường.

Chính vì vậy, ông Lịch cho rằng phải xây dựng một đạo luật dành riêng để quy định cơ chế hoạt động của những định chế công phi lợi nhuận. Có nghĩa là những tổ chức thực hiện dịch vụ công ích cho xã hội nhưng người bỏ vốn ra không vì mục đích thu lợi nhuận về.

“Tôi nói rõ là nó phi lợi nhuận, không phải tổ chức đó không sinh lời nhưng người bỏ tiền ra không lấy lời mà quản trị phát triển, tiền thu về để phục vụ phát triển. Khi định chế này ra đời, dù Nhà nước làm hay tư nhân làm thì cũng đều áp dụng như nhau, cho cả y tế, giáo dục, hay các lĩnh vực khác”, ông Lịch giải thích.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lại lo ngại, chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập đã rất mạnh mẽ, thể hiện qua quan điểm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, điều cốt lõi là xây dựng thể chế thị trường để tạo ra sự cạnh tranh công bằng bình đẳng thì lại chưa làm được.

Theo ông Cung, hiện nay chúng ta mở ra cơ hội để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh CPH các DN công ích, nhưng cơ chế để đảm bảo thị trường vận hành tốt và cạnh tranh bình đẳng công bằng thì chúng ta lại thiếu. Nhà nước chưa thực hiện được vai trò của mình là thúc đẩy hỗ trợ đảm bảo cho thị trường cạnh tranh công bằng. Do đó nếu chỉ mạnh tay CPH mà không tạo ra môi trường cạnh tranh sòng phẳng, rất có thể sẽ gây ra khiếm khuyết, méo mó trên thị trường sau này.

Đồng quan điểm với ông Cung, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, quan điểm về CPH các DN công ích hiện nay đang có sự nhầm lẫn. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, đáng nhẽ cơ quan quản lý phải có cơ chế chính sách để các thành phần kinh tế mở bệnh viện ra nhiều hơn nữa. “Còn với những bệnh viện công hiện nay phải tập trung nâng cao chất lượng tốt hơn để phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội thì nó mới phù hợp với cái đuôi xã hội chủ nghĩa”, ông Kiên bổ sung.

Với chính sách phù hợp, các dịch vụ công như y tế, giáo dục sẽ có sự tham gia của cả DNNN và DN tư nhân. Trong đó, các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước cung cấp dịch vụ cơ bản, thiết yếu, phục vụ cho các đối tượng thu nhập thấp. Còn với các dịch vụ cao cấp, phức tạp, đòi hỏi chi phí cao hơn thì người dân có thể tìm đến bệnh viện tư nhân. Mô hình tương tự cũng có thể áp vào lĩnh vực giáo dục.

Vì quan điểm, đường lối chưa rành mạch như vậy, nên mặc dù hài lòng với các dịch vụ công cơ bản do tư nhân cung cấp, song cảm nhận chung của người dân lại chưa hoàn toàn yên tâm về việc chuyển dịch vụ công cho tư nhân thực hiện. Điều này được thể hiện trong kết quả đo lường Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014, được VCCI và Ngân hàng Thế giới công bố mới đây.

Trước câu hỏi nên hay không nên chuyển một số dịch vụ công cho tư nhân thực hiện, có 42% số người tham gia trả lời hoàn toàn ủng hộ, chỉ có 1% phản đối. Song, phần tỷ lệ áp đảo lại thuộc về các ý kiến ủng hộ nhưng có sự quan ngại, ở mức 57%.

Điều này cho thấy người dân nói chung cảm nhận được sự ưu việt của dịch vụ công do tư nhân cung cấp, song cũng vẫn thích được Nhà nước “ôm ấp, bảo vệ” bằng các hành động can thiệp vào thị trường, như bình luận của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Cảm nhận này cũng phản ánh thị trường cung cấp dịch vụ công dường như chưa đủ cạnh tranh và phân chia rạch ròi giữa các đối tượng cung cấp dịch vụ, khiến người thụ hưởng dịch vụ luôn cảm thấy rủi ro thường trực.

Bài và ảnh Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều