Cổ phần hóa DN nông nghiệp: Chủ chậm bán, khách ngại mua

08:44 | 03/08/2015

Khó định giá, khó thoái vốn Nhà nước do nợ vay và thua lỗ khiến hầu hết các DNNN thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp chậm CPH và ít hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân

Ngổn ngang trước “giờ G”

Từ tháng 2/2015, thực hiện theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đưa ra kế hoạch cổ phần hóa (CPH) hàng loạt các tổng công ty nông – lâm nghiệp trên toàn quốc.

Theo kế hoạch này, 7 tổng công ty gồm: Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Rau quả nông sản, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Lương thực miền Nam, sẽ được CPH trước, sau đó nhân rộng ra các DN khác trong ngành.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trong số đó mới chỉ có 2 DN hoàn thành việc định giá và thực hiện bán cổ phần lần đầu và đang làm các thủ tục để tổ chức Đại hội cổ đông. Các DN còn lại vẫn đang trong quá trình xác định giá trị DN và nhiều khả năng sẽ không thể chào bán cổ phần trong năm 2015 theo kế hoạch.

co phan hoa dn nong nghiep chu cham ban khach ngai mua
Càng kéo dài thời gian CPH càng giảm khả năng cạnh tranh

Trường hợp của Tổng công ty Chè Việt Nam (VinaTea) cho thấy, khó khăn cơ bản làm chậm quá trình CPH là do khâu định giá DN bị ách tắc về thủ tục và không thống nhất về quy định hạch toán vốn. Cụ thể, phía Bộ Tài chính cho rằng, các vườn chè đã được giao khoán cho DN vẫn là tài sản của Nhà nước, do đó phải đánh giá lại giá trị ở mức tối thiểu 20% nguyên giá.

Tuy nhiên, cách làm này không được VinaTea chấp thuận vì cho rằng khi nhận khoán từ người dân, các DN trực thuộc VinaTea đã trả hết giá trị vườn chè và được quyền sở hữu phần vốn này chứ không còn là vốn Nhà nước.

Trong khi phương án định giá DN chưa ngã ngũ, thì VinaTea cũng đang phải đối mặt với khó khăn khác là nợ vay. Đến thời điểm cuối 2013, tổng công ty này nợ dài hạn từ nguồn vốn vay ODA (từ thời chương trình hợp tác Liên Xô – Ba Lan) và vốn vay từ ADB là trên 25 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận kinh doanh năm 2014, giảm 17% so với năm 2013. Điều này gây áp lực trực tiếp đến việc thanh toán các khoản nợ trước khi CPH.

Ở một DN khác là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tình hình cũng không sáng sủa hơn. Bởi tính đến cuối tháng 12/2014, mặc dù Cơ quan Thanh tra của Chính phủ đã vào cuộc, nhưng bài toán về những khoản lỗ và nợ khó đòi ở 19 đơn vị thành viên của Vinafood 2 (ước khoảng 850 tỷ đồng) vẫn chưa có lời giải cuối cùng.

Trong các quý I và II/2015 Vinafood 2 “căng mình” xử lý các khoản lỗ tồn đọng từ nhiều năm trước, hầu như không có nhiều thời gian tập trung cho việc mở rộng vùng lúa nguyên liệu. Chính vì vậy, mặc dù đặt ra kế hoạch khá khiêm tốn là xây dựng 10.000 ha cánh đồng liên kết trong năm nay, nhưng diện tích mà Vinafood 2 bỏ vốn tài trợ vật tư đầu vào vẫn chưa đáng kể.

Trước áp lực thoái vốn Nhà nước ở các đơn vị liên kết, đầu tháng 2/2015, Vinafood 2 đấu giá gần 7,2 triệu cổ phần ở CTCP xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang. Nhưng do DN này vướng vào khoản thua lỗ hơn 83 tỷ đồng từ các năm trước nên hầu như không có nhà đầu tư tư nhân nào bỏ vốn mua lại. Và cuối cùng, Vinafood 2 chỉ bán được 1/2 số cổ phần, số còn lại vẫn do các đơn vị Nhà nước nắm giữ. Quá trình CPH của Vinafood 2 vì thế bị lùi lại chưa biết đến khi nào thì thực hiện được.

Lỡ cơ hội săn vốn trong dân

Việc chậm trễ trong quá trình định giá các tổng công ty nông, lâm nghiệp trước khi CPH xét đến cùng có nguyên nhân cơ bản là mâu thuẫn về quyền lợi. Khi bắt buộc phải phân chia lại lợi ích trong “ngôi nhà chung” mà từ trước vốn dùng tiền ngân sách, phía các tổng công ty (trong đó chủ yếu là các lãnh đạo DN) luôn muốn co kéo để DN được định giá thấp hơn thực tế và phần vốn Nhà nước nhỏ đi, mở ra cơ hội cho việc thâu tóm cổ phần, biến công ty Nhà nước thành một dạng công ty gia đình.

Trong khi đó, các bên đại diện cho phần vốn Nhà nước còn lại cũng không muốn mình bị “gạt ra rìa” để mất quyền lợi từ những nông trường, lâm trường mà mỗi năm được ngân sách chi hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi mà các tổng công ty này đang đủng đỉnh thương lượng và rề rà định giá, thì điều quan trọng nhất là họ đã bỏ qua hàng loạt cơ hội hút vốn khu vực tư nhân. Quan sát thực tế từ đầu 2015 đến nay (cùng thời điểm các đề án CPH các tổng công ty nông nghiệp, lâm nghiệp được đưa ra), thấy ít nhất đã có hàng chục tập đoàn tư nhân trong nước chọn cách thức tự bỏ vốn thuê đất làm nông nghiệp chứ không tham gia CPH các DNNN.

Ghi nhận đến thời điểm này, các dự án cực lớn như dự án VinEco sản xuất rau quả sạch của Tập đoàn Vingroup (trị giá 2.000 tỷ đồng), dự án trồng mắc ca trị giá 20.000 tỷ đồng của Tập đoàn Him Lam và LienVietPostBank, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi hơn 300 triệu USD của Tập đoàn Hòa Phát… đã bắt đầu khởi động. Các dự án nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai đầu tư trong các năm 2013-2014 đã bắt đầu đơm hoa kết trái và mang về lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho các DN này.

Những so sánh trên số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, hiện nay giá trị bình quân các dự án đầu tư vào nông nghiệp của các tập đoàn trong nước khoảng 200 triệu USD, vượt xa so với con số 7 triệu USD/dự án của các DN FDI trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tập đoàn tư nhân lớn nào bỏ vốn tham gia CPH các tổng công ty nông, lâm nghiệp.

Điều này cho thấy rằng nếu cứ tiếp tục kéo dài quá trình thương lượng, định giá thì cơ hội cạnh tranh của các DNNN lĩnh vực nông nghiệp sau khi được CPH sẽ ngày càng thu hẹp. Bởi thực tế, sau khi CPH thành công ngoại trừ các “ông lớn độc quyền” như các Tổng công ty Lương thực, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vẫn còn được Nhà nước bảo hộ với phần vốn góp trên 51% vốn điều lệ thì các DN khác gần như phải tự bơi với hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh kém năng động và bị chia sẻ thị phần từ các tập đoàn tư nhân đang ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực tam nông.

Kiến nghị cho DN bán thêm vốn Nhà nước sau cổ phần

Theo Bộ NN&PTNT, đến quý II/2015, các DNNN trong ngành này đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành với tổng số là 1.524 tỷ đồng, giá trị thu về 1.637 tỷ đồng. Tổng số vốn dự kiến thoái đến hết năm 2015 là hơn 3.273 tỷ đồng. Để đẩy nhanh CPH, Bộ này dự kiến đề nghị Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, cho phép chủ động bán tiếp phần vốn Nhà nước tại các tổng công ty sau khi được CPH, đồng thời cho phép các DN được áp dụng chế độ báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2015 theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đến thời điểm DN được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều