Cổ phần hóa và bài toán kép

09:17 | 13/05/2015

Việc đổi mới nhận thức về cổ phần hóa và tư nhân hoá sẽ trở thành động lực cho tiến trình cổ phần hóa.

24 năm vẫn chưa thể khép lại

Mặc dù những năm gần đây cụm từ cổ phần hóa (CPH) mới được nhắc đến nhiều, song dưới cái tên đổi mới, công cuộc tái cơ cấu DNNN đã được bắt đầu bằng Quyết định 202-CT ngày 8/6/1992, đến nay đã được 24 năm. Tính đến đầu năm 2014 số DN đã chuyển thành các công ty cổ phần là 4.065 DN, gồm 3.650 DN và 415 bộ phận DNNN. Năm 2014 đã hoàn thành CPH được 143 DN. Ở quý I/2015 đã hoàn thành CPH được 27 DN, như vậy sẽ còn 262 DN cần CPH trong năm 2015 gần 40% kế hoạch CPH giai đoạn 2012-2015.

co phan hoa va bai toan kep
Thời gian qua Nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến các DN sau khi CPH

Con đường CPH phía trước không chỉ gập ghềnh bởi số lượng DN lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang tái cơ cấu, mà còn chính từ những nguyên nhân nội tại trong quá trình CPH DNNN thời gian qua. Đó là phương châm “buông nhỏ, giữ lớn”, đẩy nhanh CPH DNNN quy mô nhỏ trước để giảm mạnh số lượng DNNN.

Vì vậy, số lượng DNNN còn lại chưa CPH và sẽ CPH tiếp là những DNNN quy mô lớn, chủ yếu là tập đoàn kinh tế và tổng công ty (không kể các nông, lâm trường quốc doanh). Với các DN này việc tiến hành CPH sẽ khó hơn rất nhiều vì buộc phải tái cơ cấu lại trước khi CPH, như: sắp xếp lại sản xuất, tái cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, cán bộ, lao động...

Một điểm nghẽn khác ảnh hưởng đến tiến độ CPH chính là tính phức tạp của định giá DN gắn với đất đai. Điều này có thể nhìn thấy rõ trong sự ngưng trệ của tiến trình CPH các nông, lâm trường quốc doanh. Đồng thời, quy định và chính sách CPH được áp dụng chung cho tất cả các ngành cũng đã dẫn tới khó khăn, lúng túng cho việc triển khai với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khi đối tượng lao động là các loại cây, con là các thực thể sống.

Thực tế thời gian qua Nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến các DN sau CPH và quản trị DN (QTDN) của các DN này. Mọi nỗ lực đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu DN trong hơn 20 năm qua gần như chỉ tập trung vào DN 100% vốn Nhà nước và thông qua giải pháp CPH là chính. Nhiệm vụ đổi mới QTDN theo thông lệ kinh tế thị trường đã trở thành vấn đề cấp thiết sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) được giao cho các bộ, ngành và DN triển khai thực hiện từ năm 2012 nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn tiếp theo, đồng thời việc triển khai thực hiện rất chậm. Trong khi đó có thể nhận thấy, đối với DN có cổ phần chi phối hay kiểm soát của Nhà nước, thì vấn đề thoái vốn Nhà nước tại các DN này được coi là vấn đề trọng tâm trong những năm gần đây mà không phải là cải thiện QTDN.

Một chuyên gia nhìn nhận “Mục tiêu CPH vẫn còn xa vời lắm vì nhiều nguyên nhân, trong đó chưa có một luật, Nghị quyết nào của Quốc hội về CPH mà mới chỉ có 3 Nghị quyết của Chính phủ”. Trong khi, việc đầu tư, sử dụng vốn thành lập, tổ chức, quản lý DNNN hay DN có vốn Nhà nước đã được quy định trong một số luật ban hành kể cả trước kia và gần đây đối với việc CPH hay thoái vốn Nhà nước – những hoạt động thoái đầu tư cần xử lý nhiều vấn đề, liên quan đến vốn, tài sản, cán bộ quản lý, người lao động... đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế Nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược… lại chưa có luật quy định. Đây có thể coi là một nghịch lý.

Dục tốc bất đạt

Theo TS. Trần Tiến Cường, việc đổi mới nhận thức về CPH và tư nhân hoá sẽ trở thành động lực cho tiến trình CPH. Nguyên tắc quan trọng cần giữ là trong từng giai đoạn, ở từng thời kỳ, một khi đã xác định được những ngành, lĩnh vực quan trọng, DNNN quan trọng (bất kể đó là DN do Nhà nước giữ 100% vốn hay chi phối) thì sự tăng hay giảm tỷ lệ vốn Nhà nước, cần được xem xét cẩn trọng ở cấp cao nhất, mà theo kinh nghiệm của nhiều nước là thuộc quyền quyết định của Quốc hội.

Cũng theo ông Cường thì không nên chạy theo tiến độ CPH bằng mọi giá, bởi trong bối cảnh kinh tế suy thoái và mới dần chuyển sang phục hồi, thì kế hoạch CPH là rất tham vọng cả về con số và tiến độ thực hiện. CPH trong bối cảnh tái cơ cấu đòi hỏi tiến hành tái cơ cấu DN trước – một giai đoạn cần thiết trước khi CPH. Cần có những hướng dẫn cụ thể và các bước triển khai thận trọng khi CPH các DNNN quy mô lớn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng. Đồng thời, cần dành thời gian cho tái cơ cấu DN thay vì chạy theo tiến độ, hoàn thành CPH ngay.

Đặc biệt cần xây dựng luật về CPH DNNN. Đây là điều cần thiết để tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho CPH những DN quy mô lớn, các DN quan trọng, DN trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông, lâm trường, an ninh, quốc phòng và thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các DN.

Từ phía DN CPH, quan điểm chung là việc tham gia của NĐT chiến lược vào DN sau CPH là cần, nhưng không phải mọi DN sau CPH đều cần có và cần tìm NĐT chiến lược.

Một chuyên gia bổ sung ý kiến rằng cần phát huy vai trò của các Ủy ban Quốc hội với việc đề ra kế hoạch CPH. “Nếu đưa ra chủ trương mà không quyết liệt thì không thực hiện được”, PGS-TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều