Cổ phiếu hàng không tiếp tục bay cao

16:00 | 05/03/2018

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là những tin tức cập nhật về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ở TP.HCM

Vietjet chuyển khai thác các chuyến bay sang nhà ga T4 sân bay quốc tế Changi
Đến năm 2020, Việt Nam khai thác hệ thống 23 cảng hàng không
Nới quy hoạch hàng không: Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mới

Sức hấp dẫn của ngành hàng không

Có thể thấy rằng, hàng không là lĩnh vực đầu tư rất hấp dẫn trong các năm tới một khi các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông được giải quyết.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các DN trong lĩnh vực hàng không đã cất cánh bay cao trong thời gian gần đây như: JVC, HVN, ACV, SCS... Nhiều cổ phiếu trong số này thuộc diện hàng nóng và đang ở ngưỡng giá đắt nhất thị trường, nhưng tính hấp dẫn của chúng vẫn không hề nguội trong mắt những nhà đầu tư sành sỏi.

co phieu hang khong tiep tuc bay cao
Vietnam Airlines đang nỗ lực kết nối trực tiếp đến thị trường Mỹ

Ngành hàng không đang ở giai đoạn có nhiều thuận lợi để tăng tốc phát triển. Theo nhà phân tích Võ Hoàng Bảo của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, động lực phát triển cho ngành đến từ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, sự phát triển của ngành du lịch, bán lẻ cũng như gia tăng mạnh tầng lớp trung lưu. “Thị trường hàng không Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng thứ 5 thế giới khi duy trì ở mức 12-15%”, ông Võ Hoàng Bảo nhận định.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, các hãng hàng không cũng đã lên kế hoạch xâm nhập sâu rộng hơn vào mạng lưới các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vietjet Air đã gia tăng tuần suất các chuyến bay đến các thị trường Bắc Á trong năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong năm nay. Về phần mình, Vietnam Airlines đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục cần thiết để kết nối trực tiếp đến thị trường Mỹ chỉ trong 2-3 năm tới.

Trong khi đó, ở thị trường nội địa, liên doanh của hãng hàng không AirAsia và Tập đoàn Thiên Minh dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay, trong khi một số nhà đầu tư mới cũng đang lên kế hoạch xâm nhập ngành, nhất là phục vụ cho nhu cầu du lịch đang tăng ấn tượng.

Thận trọng với đòn bẩy tài chính quá lớn

Cùng với đó, theo Bộ Công thương, thương mại điện tử đã có tốc độ phát triển nhanh trong các năm qua (xấp xỉ 35%/năm) và nằm trong số các thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, con số này là khoảng 25% và dự kiến sẽ duy trì ở mức 20% cho đến năm 2020.

“Gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử có thể xem như một xu hướng thay đổi mang tính hệ thống của ngành bán lẻ không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Xu hướng này không những là động lực thúc đẩy hoạt động logistics đường bộ, mà còn góp phần tăng trưởng cho vận chuyển hàng không đến 2020”, ông Võ Hoàng Bảo nhận định.

Ngoài các hoạt động truyền thống, một số DN trong ngành hàng không còn đang xây dựng các mảng kinh doanh mới để hoàn thiện chuỗi kinh doanh, theo cả chiều dọc lẫn chiều sâu. Điển hình như Vietjet Air đang có kế hoạch phát triển một nền tảng thương mại điện tử vào quý III năm nay. Nó sẽ được tích hợp với hệ thống dịch vụ để đáp ứng đa dạng hơn nữa nhu cầu của khách hàng.

“Nền tảng sẽ đáp ứng bất kỳ thứ gì mà khách hàng cần, như vé bay, chỗ ngồi, hành lý, thức ăn, khách sạn, bảo hiểm... thậm chí là hàng tiêu dùng. 2018 sẽ là năm của sự sáng tạo và kết nối”, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc Vietjet Air bật mí.

Tất nhiên, hàng không vẫn là một ngành khá đặc thù vì yêu cầu an toàn cao, đồng thời chịu nhiều rủi ro lớn, nhất là biến động về giá năng lượng, cùng áp lực cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn tại thị trường Đông Nam Á do nhiều hãng quốc tế đang muốn tham gia. Một số công ty trong ngành hàng không sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao sẽ đứng trước rủi ro lớn khi lãi suất vốn vay có dấu hiệu tăng trở lại.

Vì thế, các nhà đầu tư cần tỉnh táo lựa chọn cho mình những cổ phiếu có dòng tiền ổn định, có tiềm năng tăng trưởng cao, sức khỏe tài chính ở ngưỡng an toàn. Điển hình trong số này là các công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng bay, dịch vụ hàng hóa như ACV, SCS, vốn có biên lợi nhuận cao và khả năng tạo tiền cao nhất trong ngành.

Các phương án giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất

Công ty Tư vấn ADPi Engineering (ADPi - Pháp) - đơn vị được thuê để rà soát, nghiên cứu quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất - đề xuất 6 phương án mở rộng cảng hàng không này.

Theo đó, đối với khu bay, ADPi đề xuất xây dựng một đường lăn song song nằm giữa đường CHC 07R/25L và đường lăn W11, E6 hiện hữu; xây dựng các đường lăn nối, thoát nhanh, vòng đảm bảo khai thác tàu bay code E; mở rộng sân đỗ tàu bay đạt 106 vị trí.

Đối với khu hàng không dân dụng, ADPi khuyến nghị nên xây dựng nhà ga hành khách T3 với diện tích sàn khoảng 200.000 m2 đạt công suất 20 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga hàng hóa, suất ăn, xăng dầu... và các công trình hạ tầng kỹ thuật hàng không đồng bộ, đảm bảo nhu cầu khai thác đến năm 2025.

Đối với kết nối giao thông, ADPi tư vấn đề xuất xây dựng tuyến nối nhà ga T3 ra đường Trường Chinh, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường nối ra đường Cộng Hòa, xây dựng đường giao thông kết nối nhà ga T1, T2, T3.

Đề xuất trên của ADPi khác với đề xuất của Nhóm tư vấn TP.HCM chủ yếu ở việc khuyến nghị không nên xây dựng thêm một đường hạ cất cánh thứ 3. Bởi theo phương án của Nhóm tư vấn TP.HCM, ngay trong giai đoạn 2018 - 2020 để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nên xây dựng thêm nhà ga T3 (năng suất 10 triệu khách/năm), tại phía Nam; quy hoạch và xây dựng đường vành đai xung quanh sân bay.

Tiếp đó, các năm 2020 - 2022: Xây tiếp nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc (năng suất 20 triệu khách/năm); đường lăn, bãi đỗ; đồng thời cải tạo và mở rộng các nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam, nâng tổng năng suất lên mức 55 triệu khách/năm.

Giai đoạn 2022 - 2025: Xây đường băng thứ ba dài 2.400m. Hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ với đường băng thứ ba; mở rộng nhà ga hành khách T4 phía Bắc để có năng suất 35 triệu khách/năm - nhằm nâng tổng năng suất các nhà ga T1, T2, T3 và T4 lên mức 70 triệu khách/năm.

Nam Minh – Hà Minh

Tin đọc nhiều