Cơ quan nào làm khó dễ, doanh nghiệp cứ kiện!

09:01 | 14/05/2015

Công văn, giấy tờ thông báo cũng được tính là điều kiện kinh doanh?!

Sợ bị trù dập vẫn phải tuân thủ

“Khi Luật DN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây, đương nhiên DN được quyền kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Nếu cơ quan nào nói chưa có hướng dẫn mà không thực hiện thì DN cứ kiện. Tôi nghĩ tinh thần chung là chúng ta không cần đi hỏi, Luật đã ra như thế thì cứ thế mà làm”. Phát biểu trên của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) làm xôn xao cả hội trường, nơi diễn ra Hội thảo Lấy ý kiến DN về dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật DN và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 13/5.

co quan nao lam kho de doanh nghiep cu kien
Cần xử lý triệt để tình trạng thiếu kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh hiện nay

Là người cổ vũ mạnh mẽ nhất tinh thần “cởi trói cho DN” thông qua bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, ông Cung nhắc lại lý do “xúi” DN khởi kiện, cũng là điều mà ông đã phát biểu thường xuyên trên các diễn đàn về cải thiện môi trường kinh doanh thời gian gần đây, đó là các điều kiện kinh doanh như mớ dây điện, không thể gỡ nổi, chỉ có thể cắt hết rồi làm lại từ đầu. Và khi đã cắt xong, cơ quan nào còn gây khó dễ thì cứ kiện!

Tư tưởng thông thoáng này đương nhiên nhận được sự hưởng ứng tức thời của cộng đồng DN. Song, ngay sau đó lại là những cái lắc đầu e ngại. Ghi nhận tại hội thảo cho thấy, điều kiện kinh doanh mở ra vô tội vạ đã không còn là vấn đề của riêng ngành nào, khi ngày càng nhiều đại diện hiệp hội, ngành nghề đồng loạt lên tiếng cho biết họ cũng bị hành lên hành xuống vì “mớ” điều kiện vô lối này.

Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam góp ý kiến, điều kiện kinh doanh trong ngành quảng cáo không chỉ có ở các văn bản pháp quy mà ngay cả các công văn giấy tờ mang tính nhắc nhở cũng được tính là có hiệu lực. Theo thống kê của Hiệp hội này, riêng về luật, nghị định điều chỉnh hoạt động quảng cáo có trên 20 văn bản liên quan; thông tư vài chục cái; quyết định, chỉ thị của các UBND thì hàng trăm cái. “Cơ quan quản lý thì bảo cứ theo đúng văn bản mà làm, nếu không thì kiện như anh Cung nói. Có mà kiện củ khoai! Sở Văn hoá mời đến họp, DN cũng không dám nói, phải nhờ Hiệp hội lên tiếng nói hộ nếu không lại bị trù dập”, ông Hùng thẳng thắn nói.

“Nếu có điều kiện khởi kiện chúng tôi cũng sẵn sàng làm, với tinh thần thông thoáng và theo luật”, ông Hùng bức xúc tiếp lời. Nhưng theo ông Hùng, ngay đến đóng góp ý kiến với các sở, ngành mà cũng không được phản hồi. Sau 2 năm thực hiện Luật và nghị định quảng cáo, hiệp hội làm báo cáo kiến nghị về tình trạng vướng mắc khó khăn gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và 10 bộ ngành liên quan, thì chỉ nhận được 2 ý kiến của 2 bộ cho biết đã bảo lưu ý kiến của hiệp hội.

Thiếu cơ quan thẩm quyền kiểm soát

Ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin & Vecchi cũng chỉ ra rằng, Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh sự cần thiết, hợp pháp, công bằng, minh bạch của các quy trình, hồ sơ hành chính về điều kiện kinh doanh. Nếu không chứng minh được thì phải bác bỏ, sửa đổi các yêu cầu về hồ sơ, quy trình một cách tương ứng. Tuy nhiên hiện nay, Bộ Tư pháp là trọng tài phân xử tính hợp pháp, minh bạch của điều kiện kinh doanh, thì lại không thể kiểm soát nổi vô vàn các thủ tục hành chính, giấy phép, giấy chứng nhận “con, cháu” do các bộ, ngành tham mưu, đề xuất ban hành hay thậm chí tự ban hành.

Tóm lại, chưa có cơ quan nào đủ thẩm quyền và có thể hoạt động một cách khách quan để xử lý triệt để tình trạng thiếu kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh hiện nay.

Những tiếng nói vọng lên từ phía cộng đồng DN cho thấy tâm lý bất lực đã lớn tới mức những “người chủ” trực tiếp tham gia vào môi trường kinh doanh lại không dám thực hiện quyền lợi của mình. “Vấn đề là nỗi sợ này đã mang tính hệ thống”, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư Quang và cộng sự, nói một cách gay gắt.

Ông Lập không e ngại chỉ ra rằng, nỗi sợ này thực chất cũng chỉ tồn tại ở các DNNVV, những đối tượng yếu thế trong môi trường kinh doanh. Còn các DN “khủng”, theo ông Lập, vẫn có thể dựa vào tiềm lực tài chính, vị thế, các mối quan hệ để bất chấp các điều kiện kinh doanh và tiếp tục phát triển. “Vấn đề là các DNNVV đang đối mặt nhiều nỗi sợ mới cần đến luật pháp. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khi luật sư muốn bảo vệ DN thì ngay lập tức DN sẽ nhận được lời thông báo tuần tới kiểm tra, thanh tra, DN thấy vậy lại nhụt chí, rút đơn kiện”, ông Lập cay đắng nói.

Do đó, vị này đề nghị cần có các phương thức mềm dẻo, liên kết giữa các DN để tạo thành một khối vững chắc hơn. Chẳng hạn hiện nay, chúng ta thiếu thiết chế khởi kiện tập thể. Ở các nước chấp nhận các tổ chức phi Chính phủ, hiệp hội DN có quyền thay mặt các thành viên, một nhóm các đối tượng bị tác động bởi quy định chính sách để đứng ra khởi kiện. Song hiện nay tại Việt Nam chưa có cơ chế này. Các thành viên đơn lẻ rất sợ và ngại khởi kiện. Do đó theo ông Lập phải cải cách tư pháp và bổ sung quy định này.

Bên cạnh đó, ông Lập cũng đề xuất đẩy mạnh Chính phủ điện tử theo tinh thần các DN sẽ giao dịch với cơ quan chức năng qua mạng. Ông lập luận, các bộ, ngành sẽ biến các điều kiện kinh doanh sang quy trình thủ tục, rồi hướng dẫn, thông báo, xác nhận… Cho nên tóm lại các cơ quan chức năng vẫn muốn DN đến tận nơi tiếp cận với họ. Cũng vì thế, ở một số nước quy định cấm các DN đến gặp trực tiếp, buộc phải giao dịch qua mạng… Do đó đây phải là giải pháp căn bản.

Nhiều ý kiến cũng hy vọng sẽ thành lập một tổ công tác, đường dây nóng, được trao quyền tối đa, kết hợp với truyền thông, để rà soát các điều kiện kinh doanh giúp Chính phủ xử lý và bãi bỏ, ngăn chặn các điều kiện bất hợp lý.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Công ty Luật Allens:

Góp ý về vấn đề đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN (GCNĐKDN), chúng tôi kiến nghị Nghị định Thi hành bổ sung điều khoản làm rõ cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không xem xét các điều kiện kinh doanh của công ty khi cấp GCNĐKDN hoặc khi nhận thông báo của công ty về thay đổi ngành nghề kinh doanh. Công ty sẽ được phép tiến hành kinh doanh một ngành nghề kinh doanh cụ thể khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh đó. Chúng tôi cho rằng, đề xuất này phù hợp với tinh thần “hậu kiểm” của Luật DN 2014.

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam:

Trên thế giới, cá nhân có nghiệp vụ kế toán có thể cung cấp dịch vụ, không nhất thiết thành lập công ty. Việt Nam chưa cho phép cá nhân, mà phải hành nghề trong tổ chức. Nên chăng trong điều kiện hiện nay, thị trường hành nghề kế toán nhỏ bé, nhu cầu DN lớn mà số lượng người hành nghề mới có trên dưới 2.000 kế toán viên, thì điều kiện nên thông thoáng hơn. Đây là nghề mang tính chuyên môn cao, các nước giao việc đăng ký hành nghề cho các hội chuyên ngành về hành nghề. Cho nên, chúng tôi đề nghị khi tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề nên để cho các tổ chức nghề nghiệp làm. Bộ Tài chính có chăng ban hành một số quy chế nghề nghiệp.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều