Còn gì ngoài giảm giá?

10:21 | 07/09/2018

Các startup vận tải như Grab, Go Việt, Fast Go… đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần cũng như đạt tốc độ tăng trưởng cao. 

Giảm giá, khuyến mại đã và đang được sử dụng tối đa để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhưng có lẽ chừng đó là chưa đủ để xác lập vị thế cũng như sự tồn tại cho các startup này. Bởi rất đơn giản, các startup đã và đang được rót vốn nhưng cũng chỉ có giới hạn.

con gi ngoai giam gia
Sự có mặt của Mai Linh Bike đã khiến Grab phải có những bước chuyển

Việc giảm giá trước tiên đã đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Sau khi không còn Uber, đã có một thời gian Grab có động thái “siết” tỷ lệ ăn chia với tài xế, đồng thời không còn giảm giá với khách hàng nữa. Nhưng sự có mặt của Go Việt, Fast Go, VATO, Mai Linh Bike… đã khiến Grab phải có những bước chuyển. Nhu cầu sử dụng các app gọi xe đã và đang tăng lên nhanh, vì vậy nếu các startup không đủ nguồn cung thì tất nhiên vị thế cũng bị ảnh hưởng.

Đó cũng là lý do mà một số chủ xe, tài xế đầu quân cho Grab cho biết, thời gian gần đây cảm thấy dễ thở hơn khi các thoả thuận về ăn chia đã theo hướng có lợi cho họ. Với khách hàng, những khuyến mãi, giảm giá cũng xuất hiện trở lại nhiều hơn theo chiều hướng “đi càng nhiều càng có lợi”, hoặc thu hút khách mới sử dụng bằng những cuốc xe giảm giá mạnh. Khi một “ông lớn” có sẵn thị phần như Grab còn làm như vậy, thì không còn cách nào khác, các startup cũng phải giảm giá, thậm chí còn mạnh hơn cả Grab.

Nhưng giảm giá không phải là phương thức cạnh tranh dài hạn. Thực tế, nhiều người thích lựa chọn taxi, hay xe ôm công nghệ vì những lợi thế đặc biệt chẳng hạn như tránh chuyện xe đi lòng vòng, chèo kéo, chặt chém, hoặc tài xế lịch sự, xe đẹp…

Đó cũng là lý do mà ngay cả khi giá taxi công nghệ không rẻ hơn taxi truyền thống là bao, thậm chí có thời điểm đắt hơn thì vẫn có hành khách chấp nhận vì taxi công nghệ đã tạo ra một thói quen tiêu dùng mới. Nói như vậy để thấy rằng, giảm giá chỉ là một công cụ ngắn hạn để thu hút khách hàng và điều quan trọng là các hãng taxi công nghệ cần tạo ra giá trị cạnh tranh mang tính chất bền vững hơn.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là sau khi giảm giá, các hãng taxi công nghệ đã thiết lập được lợi thế gì hay chưa? Câu trả lời đến giờ dường như vẫn còn để ngỏ. Tuy nhiên, dựa vào nhu cầu cũng như kỳ vọng của khách hàng, cũng không quá khó để xác định được những mục tiêu mà các ứng dụng gọi xe cần hướng đến.

Trước tiên là cách thức ứng xử giữa tài xế và hành khách, đây là một vấn đề nan giải cho mọi loại hình ứng dụng. Các hãng taxi công nghệ đã khôn khéo khi chỉ đứng ra làm “trung gian” kết nối và sử dụng cách chấm điểm (ratings) thông qua việc đánh giá của khách hàng (chấm sao) đối với tài xế. Tất nhiên nếu tài xế nào ít sao hoặc bị phàn nàn nhiều thì không còn cơ hội hợp tác.

Nhưng điều này cũng không gây phiền hà cho những người bị thải loại vì vẫn còn đó những đơn vị khác để đầu quân. Để giải quyết vấn đề này một cách rốt ráo, có lẽ việc huấn luyện kỹ năng lái xe, văn hoá giao tiếp cho các tài xế là quan trọng. “Bệnh viện ô tô” là một startup nhiều năm qua theo đuổi việc huấn luyện kỹ năng lái xe và văn hoá giao tiếp nhưng một mình đơn vị này là chưa đủ.

Và thực tế thì cho đến thời điểm này, những quảng cáo từ các ứng dụng vẫn chỉ nhấn đến yếu tố giá rẻ, nhanh, thuận tiện, còn chất lượng dịch vụ, phục vụ vẫn chưa được nói đến. Trong khi đây mới là yếu tố có thể giữ chân được khách hàng bền lâu. Liệu các startup có sẵn sàng dành một phần ngân sách cho công tác này hay không?

Thu Thảo

Tin đọc nhiều