“Con ruồi trong chai”: Giả định có cạnh tranh không lành mạnh

13:53 | 16/03/2015

Một vấn đề nghi vấn được đặt ra là tại sao với một dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại, khép kín hoàn toàn từ khâu đầu đến khâu cuối như của Tân Hiệp Phát lại liên tiếp đứng trước “nghi án” có những dị vật bất thường ở trong sản phẩm?

con ruoi trong chai gia dinh co canh tranh khong lanh manh
Ảnh minh họa

Giữa lúc những lùm xùm quanh nghi vấn dị vật có trong chai nước của Tân Hiệp Phát hoặc bị đổi mầu, đóng váng, vón cục khi vẫn còn nguyên nắp chai và hạn sử dụng… đang nóng lên, DN này chính thức thông báo sẽ mở cửa cho người tiêu dùng vào tham quan nhà máy vào các ngày Chủ nhật hàng tuần.

Trên thực tế, có rất ít DN sản xuất hàng tiêu dùng nào mở cửa cho khách hàng vào tham quan nhà máy, bởi những bí mật trong kinh doanh có thể bị đối thủ lợi dụng để khai thác, tìm hiểu. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, đây là việc làm mạo hiểm.

Với các sản phẩm thực phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm hàng đầu. Do đó, DN càng ứng dụng công nghệ tiên tiến bao nhiêu thì những điều kiện về đảm bảo an toàn càng được thực hiện triệt để bấy nhiêu. Mặc dù không tránh khỏi những rủi ro và có xác suất lỗi về sản phẩm, nhưng sẽ hạn chế tác nhân từ bên ngoài và đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng bởi vậy, một vấn đề nghi vấn được đặt ra là tại sao với một dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại, khép kín hoàn toàn từ khâu đầu đến khâu cuối như của Tân Hiệp Phát lại liên tiếp đứng trước “nghi án” có những dị vật bất thường ở trong sản phẩm?

Tại dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát ở Hà Nam, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc sản xuất các nhà máy của tập đoàn này đã giới thiệu cho khách tham quan khá chi tiết và cặn kẽ từng khâu, công đoạn sản xuất các sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Từ khâu chiết ly các nguyên liệu như trà xanh, thảo mộc, đến khâu phối trộn, chiết rót, thổi chai, đóng nắp và dán nhãn, đóng thùng, sản phẩm của Tân Hiệp Phát đều được sản xuất trong dây chuyền khép kín hoàn toàn 100%.

“Nhà máy sản xuất của Tân Hiệp Phát được vận hành theo công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, hoàn toàn tự động. Đội ngũ vận hành cũng được DN tuyển chọn rất kỹ lưỡng, bởi chúng tôi luôn coi trọng yếu tố nền tảng con người, nên rất coi trọng vấn đề này. Đồng thời, để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của các nhà máy, tránh những yếu tố khách quan có thể tác động đến quy trình sản xuất sản phẩm, các nhà máy chúng tôi đều có camera theo dõi chặt chẽ. Nên bất cứ lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm kiểm soát nào liên quan cũng đều có thể theo dõi hoạt động của bất cứ nhà máy nào ở mọi thời điểm”, ông Tuấn nói.

Nhìn nhận cẩn trọng hơn, với liên tiếp các vụ việc tố sản phẩm của DN này kém chất lượng, có dị vật, nấm mốc… liệu có thể đặt ra câu hỏi: Có hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra trên thị trường nước giải khát? Thực tế, trên mạng Internet hiện đang lan truyền những clip có thể bỏ dị vật vào chai nước còn nguyên đai, nguyên kiện và hạn sử dụng chỉ bằng những thủ thuật rất đơn giản.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát cho rằng, hiện DN Việt Nam đã vươn lên cạnh tranh ở ngang tầm khu vực và thế giới, khi đầu tư trang thiết bị hiện đại của các nước EU, đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chất lượng của Nhà nước cũng đã đảm bảo các tiêu chuẩn như ISO và đều được thực hiện trong các DN.

“Trong cả dây chuyền lớn thì sự cố vẫn có thể xảy ra, nhưng mức độ cho phép là một phần triệu, theo quy định của hệ thống ISO. Hiện nay, thực tế cạnh tranh không lành mạnh cũng không còn hiếm gặp, người ta hoàn toàn có thể dùng các thủ đoạn, thủ thuật để đưa dị vật vào trong sản phẩm. Vì thế, cần tăng cường khâu quản lý, nhận biết để kiểm tra, không những trong sản xuất mà cả sau sản xuất. Đó là điều rất khó mà chúng ta cố gắng, khi có sự cố thì chúng ta cần cẩn trọng tìm nguyên nhân tại sao, thấu hiểu khó khăn của DN trong thời kỳ hiện nay, DN hiện rất khó khăn. Hiện tượng dùng thủ thuật để mở nắp chai này đặt ra nguy cơ không chỉ với riêng một DN mà là hành vi không lành mạnh có thể đe doạ bất cứ DN nào trong ngành bia rượu nước giải khát”, ông Việt đánh giá.

Trước tình hình trên, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc cần rà soát lại cơ sở sản xuất, xem lại công nghệ, DN cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để có xử lý kịp thời khi xảy ra vụ việc.

Cũng bởi, để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhiều đơn vị đã thực hiện những phương thức thủ đoạn tinh vi với đối thủ, nên việc cần phải phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng chính là “chiếc khiên” để DN bảo vệ chính mình.

Trường Sơn

Tin đọc nhiều