Công khai tiêu chí đánh giá để giảm tiêu cực trong hải quan

16:09 | 04/12/2018

Khi công khai, minh bạch tiêu chí đánh giá thì cán bộ hải quan không thể áp dụng cảm tính để xử lý, vì tất cả đều thể hiện trên hệ thống máy tính. Qua đó, tình trạng gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự tiêu cực trong quản lý của cơ quan hải quan sẽ được hạn chế.

Ngày 4/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức.

Bộ tiêu chí đánh giá về sản xuất, buôn bán hàng hóa, thuế hải quan dùng để phân loại tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong lần soạn thảo này dự kiến sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

cong khai tieu chi danh gia de giam tieu cuc trong hai quan

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng mở cửa khi quy mô, kim ngạch xuất nhập khẩu đã lớn gấp đôi GDP. Các hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ, do vậy quản lý hải quan đang gặp những thách thức lớn.

Thách thức đầu tiên là khối lượng công việc nhiều khi hàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng cả về lượng và tính đa dạng của các mặt hàng. Chắc chắn ngành hải quan không thể tăng nhanh bộ máy. Cách tiếp cận phù hợp là cần áp dụng phương pháp quản lý rủi ro dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đây được xem là khâu trọng yếu, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước vừa giúp lãnh đạo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và qua đó nền kinh tế sẽ thu được lợi ích và doanh nghiệp cũng sẽ được lợi ích từ tiến trình này.

Khi thủ tục thông quan nhanh chóng, nhờ được phân loại hàng hóa rủi ro cao sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Về phía cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hiệu quả quản lý khi xác định được những hàng hóa có nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Về dài hạn sẽ tạo lập văn hóa tuân thủ pháp luật và giảm ngánh nặng hành chính cho doanh nghiệp chấp hành pháp luật tốt, tạo động lực để doanh nghiệp triệt để tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Thông tin tại Hội thảo, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hiện ngành Hải quan đang thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động hải quan bằng biện pháp quản lý rủi ro - đây là bước mà hải quan các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực và kiểm soát hiệu quả.

Ngành hải quan hiện cũng đang đánh giá doanh nghiệp dựa trên 3 loại (luồng xanh – luồng vàng – luồng đỏ) và phân làm 7 hạng. Nhưng tiến đến để phù hợp với tiêu chuẩn hải quan thế giới và công nghệ quốc tế, ngành Hải quan sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp theo 4 loại: Tuân thủ cao – Tuân thủ trung bình – Tuân thủ thấp – Không tuân thủ.

“Từ đó, cơ quan hải quan sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện tốt để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời nâng cao kiểm soát, chống gian lận thương mại...” – ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, việc công khai minh bạch tiêu chí đánh giá là cần thiết, giúp hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý. Đồng thời giúp doanh nghiệp tự xem xét việc thực hiện tuân thủ pháp luật của mình. Doanh nghiệp có thể tự biết mình chưa chuẩn ở đâu để có biện pháp khắc phục. “Nếu cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp cùng làm tốt điều này sẽ hỗ trợ môi trường kinh doanh tốt hơn, giảm thiểu tiêu cực trong tổ chức thực hiện ở cơ quan hải quan các cấp” – ông Cường kỳ vọng.

Ông Cường cho rằng, khi công khai, minh bạch tiêu chí đánh giá thì cán bộ hải quan không thể áp dụng cảm tính để xử lý, vì tất cả đều thể hiện trên hệ thống máy tính. Qua đó tình trạng gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự tiêu cực trong quản lý của cơ quan hải quan sẽ được hạn chế…

Góp ý cho Dự thảo Thông tư, ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Dự thảo đã không tính đến trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan quản lý.

“Trong trường hợp một doanh nghiệp bị cơ quan quản lý nhà nước cưỡng chế tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định, như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng nếu kết luận của cơ quan quản lý chưa chính xác thì doanh nghiệp sẽ làm gì để yêu cầu bồi thường?”, ông Hiền đặt vấn đề. Vì vậy, ông Hiền đề xuất cần sớm đưa chế tài đối với cơ quan công quyền để tất cả các bên đều bình đẳng trước pháp luật.

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều