Công nghiệp điện tử: Thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt

12:00 | 24/07/2019

Để nâng cao năng lực của các DN điện tử trong nước, theo các chuyên gia cần tăng cường sự liên kết giữa các DN Việt và DN FDI, nhất là việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, DN lớn của nước ngoài.

Theo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, ngành điện tử Việt Nam trong năm 2019 có nhiều sự kiện lớn có thể tạo những bứt phá trong xuất khẩu. Từ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) đến những tiến triển mạnh mẽ trong việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành điện tử Việt Nam.

cong nghiep dien tu thach thuc lon cho doanh nghiep viet

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù xuất khẩu điện tử tăng trưởng nhanh nhưng trên thực tế có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối FDI. Còn các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến trên 70% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu. Bởi vậy để thúc đẩy các DN điện tử trong nước đủ sức hội nhập cần có những chính sách thiết thực. Đồng thời có chiến lược hợp tác, liên kết để nâng cao giá trị cho DN Việt Nam.

Với tiềm năng là nước đông dân và có lao động giá rẻ, xu hướng chuyển dịch và đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam trở thành xu thế chủ đạo của các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia, DN lớn về ngành điện tử nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam và khẳng định được thế mạnh của mình như Samsung, LG, Canon, Intel, Panasonic… Đây là thách thức không nhỏ đối với các DN trong nước bởi với 97% là DNNVV khó đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực điện tử.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thương mại điện tử, các DN trong nước vẫn còn rất nhiều trở ngại để có thể liên kết với DN FDI. Trong đó phải kể đến như thiếu năng lực cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các cơ chế quản lý hiện đại và năng lực sản xuất để đảm bảo thời gian giao hàng và chất lượng. Khả năng tiếp cận nguồn vốn và xử lý các rủi ro đầu tư khi cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh. Thiếu kỹ năng về tiếp thị, nghiên cứu thị trường, kỹ năng giao tiếp và/hoặc kinh nghiệm về xây dựng quan hệ với khách hàng. Thiếu thông tin về yêu cầu của các công ty đa quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế áp dụng trong một số lĩnh vực…

Hiện nay, các DNNVV đang từng bước có sự bứt phá tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là liên doanh, liên kết với các DN FDI để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho biết, với xu hướng các tập đoàn, DN điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam tạo cơ hội lớn cho các DN trong nước hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm phụ trợ. Đơn cử như đã có rất nhiều DN điện tử trong nước tham gia cung cấp linh kiện và sản phẩm phụ trợ và là DN vệ tinh cho các thương hiệu lớn như Samsung, Canon, Panasonic… Tuy nhiên, các DN điện tử Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là DNNVV với nhiều hạn chế về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực nên rất khó cạnh tranh với các DN FDI.

Bà Đào Thu Huyền - Phó giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Canon Việt Nam cũng khẳng định, các DN trong nước hiện nay vẫn còn nhiều điểm yếu như năng lực sản xuất thấp, thiếu vốn, thiếu thiết bị. Yếu về kỹ thuật, chất lượng không ổn định. Hệ thống quản lý & phương pháp quản lý chưa chuyên nghiệp, chưa có chính sách dài hạn. Khả năng đối ứng với các vấn đề bất thường, các vấn đề phát sinh, nhu cầu thay đổi của khách hàng, cải tiến để có giá thành cạnh tranh hơn, đối ứng kế hoạch sản xuất của nhà cung cấp chưa cao… Hiện nay Canon đã có tổng số 378 nhà cung cấp toàn cầu trong chuỗi sản xuất của Canon nhưng mới chỉ có 24/170 nhà cung cấp là DN thuần Việt.

Để nâng cao năng lực của các DN điện tử trong nước, theo các chuyên gia cần tăng cường sự liên kết giữa các DN Việt và DN FDI, nhất là việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, DN lớn của nước ngoài. Thế nhưng, để làm được điều này cần nỗ lực từ nhiều phía, kể cả những chính sách phát triển ngành điện tử Việt Nam; trong đó sự nỗ lực của các DN Việt là yếu tố quyết định.

Do đó các DN nội cần phải tự nâng cao năng lực, trong đó nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, nâng cao năng lực thiết bị, nâng cao năng lực tài chính… Đồng thời tăng cường marketing và xuất khẩu như tích cực tham gia vào một số chương trình hướng đến xuất khẩu, marketing quốc tế. Tích cực tham gia vào các triển lãm của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc và mạnh dạn đầu tư thiết bị mới.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều