Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Hợp tác đầu tư nâng tầm doanh nghiệp

10:50 | 20/03/2019

Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Hà Nội đã đã có bước phát triển cả về lượng và chất, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh DN. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, ngành CNHT thành phố hiện vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng.

TP. HCM: Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Đưa công nghiệp hỗ trợ thành động lực kinh tế
cong nghiep ho tro ha noi hop tac dau tu nang tam doanh nghiep
Cần đẩy mạnh phát triển ngành CNHT

Theo UBND TP. Hà Nội, CNHT luôn được coi là lĩnh vực rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp của thành phố. Phát triển CNHT luôn là ưu tiên của thành phố với những chính sách riêng ưu đãi hỗ trợ cho các DN trong ngành. Đến nay, Hà Nội đã hình thành một số KCN chuyên sâu về CNHT như Quang Minh, Bắc Thăng Long – Nội Bài… thu hút không chỉ các DN trong nước mà nhiều các tập đoàn, DN FDI lớn trên thế giới đến đầu tư.

Là một trong những địa chỉ phát triển CNHT, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP)được đánh giá sẽ thu hút nhiều DN trong nước và nước ngoài đến đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc N&G Corp cho biết, HANSSIP được Chính phủ, các bộ, ngành và TP. Hà Nội quan tâm, thúc đẩy phát triển và coi như "địa chỉ đỏ" để tạo chuỗi liên kết, quy tụ các DNNVV của Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực CNHT, cùng DN, tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT.

Trên thực tế, các DN CNHT hiện nay còn gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển. Trong đó chủ yếu là do cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Theo các chuyên gia, các hỗ trợ cho ngành CNHT chưa đi vào thực chất, chưa thúc đẩy được các DN CNHT phát triển. Hiện nay phần lớn các DN CNHT của Việt Nam đều là DNNVV, nguồn lực đầu tư hạn chế khiến hàm lượng công nghệ thấp, sản phẩm rất khó tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng nhấn mạnh, các chính sách phát triển CNHT tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành. Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các DN để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất CNHT.

Đại diện CTCP Kỹ thuật Temas cho biết, hiện các DN CNHT trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy DN mong muốn thành phố có những chính sách cụ thể, thiết thực để thúc đẩy các DN CNHT phát triển, đồng thời tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hay kết nối giao thương với những đơn vị nước ngoài để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm các DN Việt Nam.

Thời gian qua, UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như tập trung nghiên cứu, ban hành và triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển CNHT; Tổ chức hội nghị, hội thảo, các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào sản xuất CNHT vào Khu CNHT Nam Hà Nội và các khu, cụm công nghiệp của Hà Nội; Hỗ trợ các DN tham gia các chương trình giao thương, thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác ở thị trường nước ngoài. Từ đó góp phần tạo dựng và hình thành mạng lưới các DN vệ tinh, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất của DN CNHT Hà Nội với hệ thống các DN lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn…

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP. Hà Nội (HANSIBA) chia sẻ, trong năm 2019, sẽ ưu tiên các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác đầu tư với các tập đoàn, DN nước ngoài; Tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, kết nối các DN Việt Nam với các DN nước ngoài. Thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào CNHT.

Tại buổi làm việc với Tổ chức hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản (SMRJ) vào đầu tháng 3/2019, Hiệp hội cũng đã đề nghị tổ chức này hợp tác với Hiệp hội CNHT để hỗ trợ các DN Việt Nam cũng như các DNNVV của Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam để phát triển các lĩnh vực kinh tế nói chung và CNHT nói riêng. Ông Nguyễn Hoàng cũng đã đề nghị SMRJ hợp tác hỗ trợ nghiên cứu để xây dựng tổ hợp Techno-park Việt Nam - Nhật Bản và vườn ươm DN trong lĩnh vực CNHT tại Khu công nghiệp HANSSIP.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều