CPH DNNN: Chính phủ đã nói và đã làm

08:56 | 20/12/2017

Chính phủ không kinh doanh những lĩnh vực mà nhà đầu tư khác đang làm được.

Cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC
Gỡ vướng cho thoái vốn và cổ phần hóa DNNN

Thực hiện lời hứa với nhà đầu tư

2017 là một năm nhiều ấn tượng về tái cơ cấu và CPH DNNN. Đến nay, 12 dự án thua lỗ đang được xử lý rốt ráo. Nhiều DNNN quy mô lớn đã được CPH và tiến hành thoái vốn như Sabeco,Vinamilk…

cph dnnn chinh phu da noi va da lam
CPH đã thực sự thay đổi về chất, sân chơi của Việt Nam đã phù hợp với một số nguyên tắc cơ bản của thị trường

Các thương vụ bán vốn nhà nước ở Vinamilk, Sabeco đã thành công, các DN lớn ngành xây dựng và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty ĐTPT đô thị và khu công nghiệp (IDICO)... đã được CPH.

Các DN lớn ngành dầu khí như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí đã được phê duyệt phương án CPH và sẽ IPO trong tháng tới cho thấy “Chính phủ đã nói và đã làm”. Điều này đã mang lại niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư và người dân.

Kế hoạch đặt ra cho năm 2017 là tiến hành CPH 44 DNNN, đến hết tháng 11/2017, mới thực hiện được một nửa kế hoạch. Nhưng nếu tính cả số lượng DN có tên trong diện CPH của năm 2016 nhưng tiến hành CPH trong năm 2017 thì lên con số 55 DN. Phương án CPH của Tập đoàn Công nghiệp Cao su và Tổng công ty Phát điện 3 cũng sắp được phê duyệt.

Chính phủ đã có nhiều khoản đầu tư tốt như Vinamilk, Sabeco, FPT… Việc thoái vốn lớn ở Vinamilk mấy tháng trước và việc bán thành công 53,59% cổ phần Sabeco thu về 110.000 tỷ đồng hôm 18/12, ngoài việc thu được khoản tiền rất lớn cho ngân sách, còn cho thấy Chính phủ thực hiện lời hứa với nhà đầu tư là Chính phủ không kinh doanh những lĩnh vực mà nhà đầu tư khác đang làm được.

Chất lượng CPH ở năm 2017 đã có chuyển biến đáng kể. Quyết định CPH những DN lớn và cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tới 49% cổ phần cho thấy, “Chính phủ đã thể hiện quyết tâm CPH, không lùi bước và đảm bảo có sự thay đổi về chất. Chất lượng CPH đã được cải thiện”, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) phát biểu.

Đã là bán vốn, CPH phải giảm tỷ lệ vốn nhà nước, đồng thời có sự tham gia của nhà đầu tư. Đây là điểm khác so với giai đoạn trước chỉ bán vốn 1-2%. 10 năm trước, CPH đạt được hơn 90% kế hoạch về số lượng DN tiến hành CPH nhưng số vốn bán ra cho nhà đầu tư chỉ đạt 8% - không đạt mục tiêu “CPH phải giải phóng mạnh hơn nguồn lực từ khu vực Nhà nước”.

CPH đi vào thực chất

Việc đẩy mạnh CPH và thoái vốn với tỷ lệ lớn cũng tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán, đồng thời cũng giúp các DN khác có cơ hội để huy động vốn thông qua thị trường. Việc thoái vốn nhà nước thành công với giá cao cũng mang lại lợi ích lớn cho người dân nói chung.

Năm 2017, do ảnh hưởng thiên tai, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, Quốc hội lại mới thông qua các dự án quan trọng như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… thì việc có thêm nguồn lực rất có ý nghĩa để tăng cường đầu tư cho xã hội.

Nhìn lại tiến độ thực hiện, đến hết tháng 11/2017 mới hơn một nửa số DN có tên trong danh sách CPH năm nay đã tiến hành CPH, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và Cục Tài chính DN cho biết: “Các DN CPH trong giai đoạn này đều là các DN lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Việc CPH hay thoái vốn sẽ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Tìm nhà đầu tư cũng phải kỹ hơn, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính nhưng cũng phải có năng lực quản trị, đầu tư tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó nguyên nhân lớn vẫn do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác CPH, thoái vốn.

Ông Tiến cho rằng tới đây việc CPH sẽ phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh CPH, cơ cấu lại DNNN. Trong phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Trưởng ban chỉ đạo – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu “nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... quyết liệt, đẩy nhanh việc CPH, bảo đảm tiến độ...”.

Trong các chuyến công du của Thủ tướng vừa qua đều có kết hợp việc mời gọi đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính trong 3 năm qua đã có nhiều cuộc tiếp xúc đầu tư tại Nhật Bản, Hoa Kỳ... tác động tích cực tới thu hút nhà đầu tư với môi trường chính sách ổn định, sự nhất quán.

Hơn nữa, điểm khác biệt trong CPH giai đoạn này là đã có các giải pháp có tính đồng bộ: Đảng có Nghị quyết, Chính phủ ban hành đầy đủ khung pháp lý và chế tài để đảm bảo giám sát thực hiện ở nhiều cấp. Chính phủ quy định rõ nếu chậm CPH, trách nhiệm trước hết ở lãnh đạo DN.

Việc tổ chức thành công hội nghị APEC vừa qua, đã góp phần tạo ra làn sóng thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam. Chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài vào thị trường nhiều như vậy, do đó đây là cơ hội để DN thoái vốn, CPH, cung gặp cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị sản phẩm theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn của thị trường.

“Chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp bán vốn, thoái vốn theo thông lệ quốc tế, như hình thức book building. Đây là điều mà các nhà đầu tư lớn hướng tới. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết tâm trong việc yêu cầu DN sau khi CPH phải niêm yết ngay”, ông Tiến cho biết.

Một điểm thay đổi lớn đã khắc phục được tồn tại lớn lâu nay trong CPH, đó là đã CPH luôn tổng công ty như Lọc Hóa dầu Bình Sơn, PV Oil hay PVPower...

Trước đây với các tổng công ty thường chọn cách CPH các DN thành viên để chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con, sau đó mới CPH công ty mẹ. “Cách làm này chỉ thay đổi ở bên dưới, công ty con cháu, công ty liên kết chưa đụng đến DN phía trên đó là công ty mẹ. Vì vậy, nhiều tập đoàn, tổng công ty không có chuyển biến mạnh mẽ, sức ỳ vẫn lớn, khó thực hiện CPH toàn bộ”, TS. Trần Tiến Cường – nguyên trưởng ban Cải cách DNNN của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho biết.

Như vậy, có thể nói quá trình CPH đã thực sự thay đổi về chất, sân chơi của Việt Nam đã phù hợp với một số nguyên tắc cơ bản của thị trường như về thông lệ thị trường, công khai, minh bạch, quản trị… Tuy nhiên vẫn rất cần sự quyết liệt và cách nhìn mới trong giải quyết công việc mới mong đạt tiến độ và mục tiêu đề ra.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều