CPH, thoái vốn nhà nước: Không chỉ đặt mục tiêu vì tiền

13:00 | 15/06/2018

Chính phủ cần có những quy định cụ thể hơn, trao quyền cho NĐT nhiều hơn, thay đổi cơ chế chính sách để khéo léo chọn NĐT chiến lược chứ không chỉ chọn mức giá cao…

Cần có luật về cổ phần hóa?
“Bệ phóng” của ngân hàng vững chắc hơn
Tạo điều kiện cho tư nhân có thể tham gia vào cổ phần hóa DNNN

Dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng liên tục mấy năm nay tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) không hoàn thành mục tiêu, việc thoái vốn thì chậm chạp khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) nản lòng, mất niềm tin vào lộ trình phát triển bền vững.

cph thoai von nha nuoc khong chi dat muc tieu vi tien
NĐT chiến lược tốt sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị, điều hành của DN

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như CPH và thoái vốn được quy định chồng chéo tại nhiều văn bản, cộng thêm các quy định chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung… khiến việc tham chiếu, vận dụng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc đánh giá DN vẫn còn lúng túng giữa mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm kiếm NĐT chiến lược.

Từ đó các chuyên gia đề nghị, Chính phủ cần có những quy định cụ thể hơn, trao quyền cho NĐT nhiều hơn, thay đổi cơ chế chính sách để khéo léo chọn NĐT chiến lược chứ không chỉ chọn mức giá cao…

Thời báo Ngân hàng trích đăng những ý kiến này để góp phần đẩy nhanh quá trình CPH DNNN với một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn.

Ông Lê Song Lai - Phó tổng giám đốc SCIC:

Có những cổ phiếu bán 8 lần không được

cph thoai von nha nuoc khong chi dat muc tieu vi tien
Ông Lê Song Lai

Qua hơn 10 năm hoạt động Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC đã tiếp nhận 1.040 DN và đã bán vốn của 986 DN, trong đó bán hết vốn ở 885 DN.

Từ thực tế thực hiện của SCIC cho thấy bài học thành công là SCIC đã cố gắng lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp theo sát diễn biến thị trường và nắm bắt thực trạng của DN bảo đảm bán vốn công khai minh bạch có cạnh tranh. Một khi có cạnh tranh về điều kiện bán vốn thì hiệu quả bán vốn tốt hơn rất nhiều.

Nhưng cũng có những lần không thành công. Nguyên nhân là: Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại DN quá nhỏ hoặc ở DN đã có cổ đông khác nắm giữ cổ phần chi phối (hơn 51%) nên các NĐT khác không muốn vào DN này; Hoặc do DN yếu kém thua lỗ kéo dài không có lợi thế đất đai; hoặc do DN có mâu thuẫn nội bộ, có tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, hay ban lãnh đạo DN có vi phạm pháp luật và đang bị xử lý.

Một nguyên nhân nữa là giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của NĐT. Bên cạnh đó, phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc; thời điểm bán vốn không phù hợp...

Quá trình bán vốn cũng gặp nhiều vướng mắc phát sinh. Vốn nhà nước phải được bán công khai và phải đạt được 2 mục tiêu: tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm NĐT chiến lược. Về lý thuyết 2 mục tiêu này là đúng nhưng thực tế khó đạt được cả 2 mục tiêu và tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo DN và người ký quyết định bán vốn. Với cơ chế này chỉ đạt được mục tiêu bán vốn với giá cao nhất mà khó đạt được mục tiêu tìm được NĐT chiến lược có năng lực, có kinh nghiệm sẽ đưa DN hoạt động hiệu quả hơn.

Một vướng mắc phát sinh nữa là thiếu quy định cụ thể về xác định giá cổ phần. Nghị định 32/NĐ-CP quy định giá cổ phần phải tính đúng tính đủ cả giá trị vốn nhà nước đầu tư ra ngoài DN, giá trị số tiền trả thuê đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử, giá nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có). Nhưng giá trị văn hóa lịch sử thì định giá như thế nào… Để có cơ sở thực hiện các quy định này và hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thoái vốn, đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy định về xác định giá.

Chi phí bán vốn đang rất cao, nếu tổ chức đấu thầu quốc tế thì mất cả năm và thủ tục kéo dài, chi phí lớn… Trong khi thuê tư vấn định giá và tổ chức bán cổ phần, cũng đang rất vướng. Theo Nghị định 32, “DNNN phải lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá”. Như vậy DN phải thuê công ty thẩm định giá để thực hiện xác định giá trị và thuê công ty chứng khoán để tổ chức bán cổ phần khiến chi phí thuê lên 250 triệu đến 300 triệu. Trước đây khi chưa có Nghị định 32, DN chỉ cần thuê công ty chứng khoán vừa thẩm định giá vừa tổ chức bán cổ phần với chi phí chỉ khoảng 80 triệu.

Xác định giá khởi điểm cũng là một vướng mắc. Hiện theo quy định hiện hành đang có nhiều phương pháp, mỗi phương pháp mang lại một kết quả khác nhau. Pháp luật chưa quy định rõ trong trường hợp có nhiều phương pháp và kết quả như vậy thì chọn phương pháp nào. Chính sự thiếu vắng quy định cụ thể về xác định giá trị DN dẫn đến rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn. Vì vậy để bảo đảm an toàn pháp lý DN đang chọn phương án có giá cao nhất, cho dù với tình hình tài chính, thực trạng của DN, giá này đưa ra rất khó bán. Thực tế đã có trường hợp cổ phần được mang bán tới 8 lần không xong.

Mặc dù biết chọn cách này là thiếu hiệu quả, nhưng nếu chọn phương án mức giá phù hợp với thị trường chứ không phải mức giá cao nhất, cho dù có bán được cổ phần nhưng có thể đặt người ra quyết định trước rủi ro bị trách nhiệm làm thất thoát vốn. Vì thế đề nghị các cơ quan chức năng quy định cụ thể thì nên có hướng dẫn cụ thể về cách chọn phương pháp định giá nào để có giá phù hợp chứ không phải giá cao nhất.

TS. Nguyễn Quang Trung - Đại học RMIT Việt Nam:

Vẫn còn do dự, chần chừ

cph thoai von nha nuoc khong chi dat muc tieu vi tien
TS. Nguyễn Quang Trung

Quá trình và xu hướng CPH, thoái vốn vẫn còn có sự do dự, chần chừ từ một số người, chủ nghĩa thân hữu còn phổ biến, việc định giá tài sản thì rất phức tạp.

Nhiều DNNN chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thông tin cung cấp bởi DNNN còn kém chất lượng. Trong khi thiếu hướng dẫn chi tiết để triển khai phương thức dựng sổ; thiếu một cơ quan chính đủ chức năng và quyền lực để điều phối.

Theo tôi, giá cổ phiếu nên được xác định linh hoạt hơn và chính xác hơn theo tín hiệu cung - cầu của thị trường. Nên rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục CPH và tăng thời gian tìm hiểu cho NĐT. Cụ thể nên tăng thời gian từ lúc DN công bố bản cáo bạch đến lúc IPO lên đến 40 ngày, bởi thời gian 20 ngày hiện nay là quá ngắn. Đồng thời, cần có mức giá khởi điểm phù hợp hơn tránh đưa ra giá quá cao.

Một điểm đáng lưu ý nữa là khả năng hấp thụ của thị trường có giới hạn. Đề nghị tới đây Ủy ban quản lý vốn nhà nước cần điều phối các IPO để tránh thừa cung đột ngột.

Đặc biệt, nhà nước chỉ nên giữ tỷ lệ cổ phần thấp để thể hiện Chính phủ muốn CPH thực chất. NĐT chiến lược có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của DN. Do đó, cần phải có cách tiếp cận linh hoạt trong việc chọn NĐT.

Ở nước ngoài có “cổ phiếu vàng”, đây là cổ phiếu có quyền quyết định cho dù tỷ lệ sở hữu cổ phần chỉ vài có khi chỉ 1%. Ở Việt Nam chưa áp dụng “cổ phiếu vàng”, nếu có “cổ phiếu vàng” thì nhà nước chỉ cần giữ 1% cổ phần thôi vẫn có tiếng nói quyết định giữ lại thương hiệu của DN và vẫn nhường lại tỷ lệ cổ phần rất lớn còn lại cho các NĐT khác. Và cần nhất là nên có luật về CPH.

Ông Vương Tuấn Dương - Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital:

Thị trường cần biết rõ tiến độ và những trường hợp không đúng tiến độ

cph thoai von nha nuoc khong chi dat muc tieu vi tien
Ông Vương Tuấn Dương

NĐT sẽ đánh giá sự thành công của chương trình CPH qua việc xem xét nền kinh tế Việt Nam có thật sự chuyển đổi hay không. Đây là yếu tố quan trọng để họ xem xét đầu tư trung và dài hạn ở Việt Nam.

Cách đây mấy năm có một công ty nước ngoài đã bỏ không mua cổ phần của một DNNN họ rất muốn mua chỉ vì DN này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh. Trong khi chúng ta lại chưa thống nhất quy trình công bố thông tin, chưa quy định rõ khi nào đi roadshow ở nước ngoài, khi nào không cần đi, khi nào cần bản cáo bạch bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, giá chào bán hiện nay thiếu thực tế khiến nhiều thương vụ không thành công làm mất niềm tin của NĐT. Trong khi cũng đã có trường hợp sau CPH, DN được kiểm toán và kết luận giá trị DN giảm đi. Đây là "bất ngờ" mà không NĐT nào mong muốn vì họ luôn nghĩ rằng công việc kiểm toán phải hoàn tất trước khi thực hiện CPH và họ mua cổ phần với niềm tin là giá trị sổ sách và lợi nhuận của DN tại thời điểm họ quyết định mua là chính xác.

DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn sau CPH, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách nhà nước. Khi DN hoạt động hiệu quả thì các đợt thoái vốn nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Chương trình CPH cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các DN trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.

Do đó, dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình CPH, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các DN được CPH. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn thì Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thụ kịp. Và một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là công tác thông tin đến công chúng để công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời.

Ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN:

CPH, thoái vốn nhà nước không đặt mục tiêu vì tiền

cph thoai von nha nuoc khong chi dat muc tieu vi tien
Ông Nguyễn Trọng Dũng

Trong quá trình CPH, thoái vốn, nhà nước không chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà còn chú ý đến các tiêu chí khác như vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng… Nói cách khác, cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với DN chứ không chỉ có tiền không. Cần chọn NĐT chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với DN. Nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền (giá càng cao càng tốt) thì dễ, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, trong đó có cả vấn đề nhà nước có thể phải giữ lại một tỷ lệ nhất định không phải là 31% mà là 36% để có tiếng nói phủ quyết cuối cùng.

PGS-TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

NĐT chiến lược trong HĐQT vẫn chỉ là hình thức

cph thoai von nha nuoc khong chi dat muc tieu vi tien
PGS-TS. Ngô Trí Long

Bên cạnh việc CPH, thoái vốn tại DNNN với mức giá hợp lý và không làm thất thoát tài sản, nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc lựa chọn NĐT chiến lược phù hợp.

Trong số 426 DN đã CPH 5 năm qua, NĐT chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ như vậy việc tham gia vào HĐQT của NĐT chiến lược chỉ mang tính hình thức. Đó là điều rất đáng lo ngại vì như thế đã hạn chế những đóng góp của họ để giúp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sau CPH.

Bởi vậy, để quá trình CPH, thoái vốn nhà nước hỗ trợ tốt hơn nữa cho mục tiêu cải thiện chất lượng quản trị tại DN, thì trước hết, nhà nước cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của các NĐT chiến lược và tạo môi trường để các NĐT này tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành hoạt động của DN.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu nhà nước lựa chọn được các NĐT chiến lược có năng lực, công nghệ và kinh nghiệm phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy DN phát triển. Song song với việc này, cần có cơ chế cho phép NĐT chiến lược nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của DN. Có như vậy mới có thể tận dụng được các lợi thế của NĐT, cải thiện sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau CPH.

Trước hết, NĐT chiến lược cần có khả năng duy trì, phát triển ngành nghề kinh doanh chính và bảo vệ thương hiệu Việt. Để đảm bảo lựa chọn được đúng NĐT phù hợp, Chính phủ cần thận trọng đánh giá lịch sử hoạt động của NĐT tiềm năng để phát hiện các tín hiệu không khả quan (ví dụ: truyền thống thôn tính thương hiệu của NĐT đó trong quá khứ); hoặc các thông tin về kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu nội địa trong quá khứ (ví dụ: tỷ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu địa phương họ đã mua lại). Để đảm bảo có thể thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm thì NĐT chiến lược cũng cần có kinh nghiệm dày dạn ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của DN sau CPH, thoái vốn.

Nhóm PV thực hiện

Tin đọc nhiều