CPH và thoái vốn Nhà nước: Chủ trương đúng, cần cách làm mới

08:44 | 12/12/2016

Phần lớn các DN mà Nhà nước đang thoái vốn thuộc ngành công nghiệp, trong khi nhà đầu tư quan tâm nhiều tới những DN ngành tiêu dùng

Cả bán và mua đều khó?

“Chủ đề cổ phần hoá (CPH) DNNN đang là câu chuyện thường ngày, là vấn đề rất nóng, gần như cuộc họp nào của Chính phủ cũng bàn”, ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ. Trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở: tiếp tục bán vốn Nhà nước, bán hết ở những DN không cần nắm giữ. Thế nhưng việc CPH vẫn bị chậm, giảm số lượng DNNN chỉ về hình thức. Và tới nay, cả việc bán và mua có vẻ đều đang gặp khó.

“Từ năm 2011 đến tháng 9/2016 đã có 426 DN đã bán xong cổ phần lần đầu, nhưng chỉ có 60% số DN này (254 DN) bán được hết cổ phần, điều đó cho thấy sự hấp thụ từ bên ngoài còn chưa được cao”, theo ông Hồ Sỹ Hùng.

cph va thoai von nha nuoc chu truong dung can cach lam moi
Phần lớn các DN mà Nhà nước đang thoái vốn thuộc ngành công nghiệp, trong khi nhà đầu tư quan tâm nhiều tới những DN ngành tiêu dùng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn Nhà nước ở những DN lớn đã CPH vẫn còn rất lớn: vốn nhà nước ở Lilama là 98%, ở Vietnam Airlines 95,5%, Tổng công ty xăng dầu 94,99%, Tổng công ty thép 93,6%, Cảng hàng không 92%…

Trong khi đó, nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài luôn chờ mua cổ phần Nhà nước bán lại, ông Nguyễn Quang Thuân – CEO của Stoxplus cho biết.

Nhìn vào con số DNNN và số vốn Nhà nước còn lại, số đã bán đi và tỷ lệ bán được hết, như ông Hùng đưa ra thì thấy “muốn bán cũng khó”. Bởi 68% DN mà Nhà nước sẽ tham gia CPH hầu hết là những DN nhỏ, mang tính địa phương, không hấp dẫn nhà đầu tư, còn những cổ phiếu mà thị trường ngóng đợi, nhà đầu tư muốn mua thì chưa quyết được bán thế nào. Ngay cả với những DN trong diện Chính phủ đang hối thúc bán, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cũng đang đón mua như Habeco, Sabeco… thì vẫn vướng chuyện “bán giá nào để không thất thoát, mất vốn Nhà nước”.

Lại nữa, phần lớn các DN mà Nhà nước đang thoái vốn thuộc ngành công nghiệp, trong khi nhà đầu tư quan tâm nhiều tới những DN ngành tiêu dùng ở một thị trường tiêu thụ 90 triệu dân như Việt Nam.

Ai là người quyết định

Tái cơ cấu lại khu vực kinh tế Nhà nước là để mở ra cơ hội, dư địa đầu tư cho kinh tế tư nhân, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân mua lại cổ phần DNNN, và mong muốn họ trở thành nhà đầu tư chiến lược trong DN CPH. Thế nhưng nhà đầu tư tư nhân vẫn vấp phải nhiều cản trở khi mua lại cổ phần của Nhà nước. Vậy bằng cách nào, làm sao để Nhà nước thoái vốn, giảm số lượng DNNN thực chất, để DN CPH là sự đổi mới về chất với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân nhiều hơn?

“Phải có cách làm mới. Chủ trương đã có rất đúng, nhưng nếu không có những cách làm sáng tạo, cụ thể thì cũng khó thành công”, ông Thuân nói như trả lời những câu hỏi đó.

Cách làm mới ở đây, là cần có chính sách mở. Bởi dù chủ trương của Chính phủ là “giá bán phù hợp với giá thị trường”, nhưng thị trường hiện “chưa phải chuẩn chỉnh”, như ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) chia sẻ. Cách nữa là, liệu có nên bứt phá, bán cả lô như nhà đầu tư muốn mua, hay từ từ bán ít một để “thận trọng, không bị hớ, không làm mất vốn Nhà nước”.

“Nhà đầu tư thường muốn mua cả lô chứ không mua lẻ. Nhưng bán theo lô thì chúng tôi lại chưa được cho phép. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi lên Sở giao dịch chứng khoán là nếu không cho bán theo lô thì cho thuê, song vẫn chưa có câu trả lời”, ông Dương Thanh Hiền – Phó tổng giám đốc công ty mua bán nợ (Bộ Tài chính) cho biết.

Một cách làm mới nữa là Chính phủ xem xét lại các DN đưa ra chào bán, cần bán mạnh những DN trong các ngành mà nhà đầu tư muốn mua. Thêm vào đó là thay đổi cách định giá. Hiện nay giá bán đang được tính trên giá trị tài sản DN và giá cổ phiếu trên thị trường, chứ không phải tính trên giá trị dòng tiền tương lai. Thuê tư vấn định giá cũng là một cách và đã có nhiều DN áp dụng, nhưng chất lượng tư vấn cũng đang là nỗi lo. “Rào cản lớn nhất chính là chưa áp dụng chuẩn mực quốc tế cho công tác định giá nên nhà đầu tư không tin tưởng vào kết quả đưa ra”, ông Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte cho biết.

Một điều rất quan trọng nữa là DN hãy có một bản chào bán minh bạch và thuyết phục. Được biết tới đây Chính phủ sẽ công bố công khai tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước nắm giữ tại các DN, và cũng không hạn chế việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình CPH DN. Nhưng nhà đầu tư vẫn muốn rằng, Nhà nước phải giảm mạnh tỷ lệ cổ phần còn lại ở DN hơn nữa, bởi lý do liên quan đến chiến lược phát triển DN.

Cùng với đó, Chính phủ cũng nên có sự thay đổi mạnh hơn, đó là quyết định DN nào được giá thì bán trước, rồi tính tiếp các trường hợp khác. Song song là khắc phục những yếu kém như đã nêu trên.

Tiếp lửa thêm cho quyết tâm tái cơ cấu, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận rằng: “Thách thức lớn nhất đối với việc thực thi là làm thực chất. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt, sẽ dẫn tới mô hình quản trị hiện tại của DN không được như mong đợi, và lợi nhuận sẽ không như kỳ vọng. Do đó, thách thức lớn nhất vẫn là bản thân chúng ta, chứ không phải vấn đề cơ chế, vì cơ chế luôn đi sau thực tế”.

Linh Đan

Tin đọc nhiều