Cú huých cho mua sắm trực tuyến

09:26 | 29/08/2016

Như một trong những cú huých cho hoạt động thương mại điện tử năm nay, sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday) dự kiến diễn ra vào cuối năm nay... 

3.000 doanh nghiệp tham gia Ngày mua sắm trực tuyến 2016
Bán lẻ trước cơ hội mua sắm trực tuyến

Kinh doanh online lên ngôi

Buổi sáng một ngày cuối tuần, tại cửa hàng chụp ảnh Bé Yêu (Khương Trung, Hà Nội), quản lý cửa hàng Nguyễn Minh Hải nhận được chiếc túi xách da do một nhân viên giao hàng mang tới. Cả cửa hàng xuýt xoa khen chiếc túi đẹp và hỏi địa chỉ mua.

Chị Hải cho biết sau khi vào tham khảo một số trang website mua sắm chuyên về túi xách đã lựa chọn được chiếc túi này. Khi hàng được chuyển đến, kiểm tra thấy sản phẩm đúng với mẫu mã, chất lượng… chị mới thanh toán cho người giao hàng.

cu huych cho mua sam truc tuyen
Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng trưởng tới 20%/năm

Lấy thông tin, chọn sản phẩm, “đọ giá”, đặt hàng nhanh chóng… là những lợi thế của thương mại điện tử, đang thu hút người tiêu dùng vào các kênh mua sắm này. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), hiện tại nhóm hàng hóa, dịch vụ được người dân mua trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm. Tiếp theo là đồ công nghệ, điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình.

Một trong những xu hướng chính của việc mua sắm trực tuyến đó là người dùng điện thoại di động kết nối internet để tìm kiếm mua hàng. Theo đó, với hơn 127 triệu thuê bao điện thoại, Việt Nam đang dần tiếp cận với các hình thức kinh doanh thông qua các thiết bị di động.

Có đến 85% người dân truy cập internet bằng thiết bị di động và 74% người dân sử dụng thiết bị này để tìm kiếm thông tin trước khi mua hàng. Xu hướng này đang được dự đoán còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Hình thức mua sắm chủ yếu là thông qua website bán hàng hóa, dịch vụ, qua diễn đàn, mạng xã hội... Hiện nay, những trang web mua sắm trực tuyến như Lazada, Sendo, Hotdeal, Choto, Nguyễn Kim, Thegioididong... đang thu hút một lượng lớn các khách hàng mua sắm mỗi ngày. Ngoài ra, nhiều DN, cửa hàng kinh doanh cũng tự lập ra các trang web riêng phục vụ cho công việc bán hàng qua mạng.

Đại diện Lazada Việt Nam - một website thương mại điện tử uy tín và đã có mặt tại Việt Nam đến nay đã hơn 4 năm - nhận định, trong cuộc sống bận rộn, khách hàng thường ngại ngần trực tiếp đi mua sắm thì mua sắm online đang dần trở thành xu thế tích cực đem lại sự tiện lợi, nhanh chóng.

Vì vậy, tại Lazada luôn có rất nhiều sản phẩm cho khách hàng lựa chọn, đi kèm là các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. DN này cũng nỗ lực tạo sự khác biệt bằng các giá trị đi kèm sau bán hàng, như dịch vụ vận chuyển hàng hóa và đổi trả hàng nhanh gọn, bảo hành uy tín...

Sức hút từ các website thương mại điện tử như Lazada, Hotdeal, Thegioididong… đang thúc đẩy cách thức kinh doanh này bùng nổ tại Việt Nam. Theo eMarketer, ước tính doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 20%/năm trong nhiều năm tới.

Cú huých cho năm 2016

Như một trong những cú huých cho hoạt động thương mại điện tử năm nay, sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday) dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Ban tổ chức dự báo sự kiện sẽ chiếm 15% tổng doanh thu toàn bộ thị trường thương mại điện tử vào quý IV/2016, tương đương với hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 200.000 sản phẩm đăng ký bán.

Online Friday hướng tới mục tiêu thu hút hơn 3.000 DN tham gia với 50.000 sản phẩm khuyến mãi được đảm bảo. Các ngành hàng chính sẽ góp mặt ở sự kiện này là điện tử, đồ gia dụng, thời trang, du lịch… với các tên tuổi lớn như các trang thương mại điện tử Adayroi, Tiki…; logistics như Viettel Post, VNPost; mảng thiết bị di động và công nghệ như Nguyễn Kim, Thegioididong…

Đối với các rủi ro về chất lượng sản phẩm, giá cả, khâu vận chuyển và giao nhận, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, Bộ Công Thương đã mạnh mẽ đưa ra cơ chế minh bạch về sản phẩm và “deal” khuyến mại của các DN tham gia Online Friday nhằm kiểm soát chất lượng của toàn bộ giao dịch trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đó sẽ tăng cường hậu kiểm, gắn nhãn có dấu hiệu vi phạm lên các sản phẩm/DN bị nhiều người tiêu dùng cảnh báo và sẽ xử lý nghiêm khắc với các DN này. Nhằm giảm tình trạng khuyến mại ảo, DN buộc phải công khai giá gốc, giá niêm yết sản phẩm trước ngày mua sắm diễn ra và không được phép điều chỉnh giá đã công bố.

Về vận chuyển và giao nhận, theo đánh giá của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sự phối hợp của DN chuyển phát tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ các DN trong Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2016 với nòng cốt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và một số DN chuyển phát khác. Năm ngoái, mọi chi phí chuyển phát trong dịp sự kiện Online Friday 2014 đều được thực hiện miễn phí, còn năm 2015 tất cả các đơn hàng đã được hỗ trợ 50% chi phí chuyển phát.

Đối với Online Friday 2016, bên cạnh những ưu đãi rất tốt về cước chuyển phát, Bưu điện Việt Nam còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng kho bãi, tăng cường phương tiện vận chuyển, nâng cao năng lực và chất lượng thu gom, chuyển phát. Đồng thời sẽ đảm bảo tốt nhất về thời gian toàn trình đối với các bưu gửi.

Ngoài ra, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi về cước chuyển phát và cước dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) cho các giao dịch phát sinh trong Ngày mua sắm trực tuyến mùa thu 2016 và Ngày mua sắm trực tuyến 2016...

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, vào năm 2020, doanh số giao dịch thương mại điện tử giữa DN và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20% một năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Riêng doanh số giao dịch thương mại điện tử DN-DN (B2B) tương đương 30% kim ngạch xuất khẩu.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều