Cửa hàng tiện lợi chưa về đến nông thôn

10:47 | 20/07/2015

Thị trường nông thôn hiện chiếm 68% trong tổng số 90 triệu dân của cả nước, và quan trọng là người tiêu dùng tại nông thôn có thu nhập tăng đến 44% so với trước. 

cua hang tien loi chua ve den nong thon
Ảnh minh họa

Điều này cho thấy, thị trường nông thôn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Nhiều DN bán lẻ trong và ngoài nước đang để mắt đến thị trường nông thôn tại Việt Nam như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

Song để xâm nhập thị trường này không hề đơn giản nên đến tận thời điểm hiện tại, đa số các DN vẫn coi việc mở rộng địa bàn hoạt động về khu vực nông thôn là “tầm nhìn dài hạn”, hoặc chấp nhận bỏ ngỏ thị trường rộng lớn này.

Tìm hiểu thực tế, đối với hệ thống phân phối bán lẻ, nhiều DN đã khá thành công với các hệ thống siêu thị quy mô lớn, nhỏ, chuỗi cửa hàng tiện ích, nhưng phần lớn các cơ sở này vẫn chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM..., và hầu như vắng bóng ở khu vực nông thôn.

Thống kê cho thấy, năm 2014 số lượng cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM là 326, tăng gần 200 cửa hàng so với năm 2012. Tại Hà Nội, nếu như năm 2012 chỉ có 321 siêu thị mini, thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên gấp đôi...

Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op (thuộc Liên hiệp HTX TM TP. HCM - Saigon Co.op), vừa chính thức đưa vào hoạt động thêm một cửa hàng thực phẩm tiện lợi, nâng tổng số Co.op Food lên con số 90 cửa hàng, và vẫn nằm tập trung ở khu dân cư đông đúc thuộc Q. Gò Vấp, TP. HCM. Hiện, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã phủ sóng khá rộng ra khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhưng cũng chưa có mặt ở khu vực nông thôn.

“Việc mở rộng hệ thống, phát triển thị trường chủ yếu phụ thuộc vào sức mua, nhu cầu tiêu dùng của người dân để tính toán về mặt hiệu quả đem lại, nếu xét trên yếu tố này thì thị trường nông thôn chưa phải là điểm đến đầu tư cho các nhà bán lẻ” - Đại diện của Saigon Co.op cho biết.

Theo phân tích của một số chuyên gia, mô hình chung của các cửa hàng tiện ích là thường có diện tích không quá lớn, trung bình khoảng 100 - 500 m2, bán chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm và đồ dùng gia đình... nên mức đầu tư ban đầu cũng không quá cao và khá phù hợp với thị trường nông thôn.

Tuy nhiên, trở ngại chính khi xâm nhập thị trường này để có thể xây dựng hệ thống và mở rộng kinh doanh chính là tâm lý và thói quen của người tiêu dùng chứ không phải vấn đề chi phí. Bởi nếu đem so sánh, để mở một siêu thị mini, cửa hàng tiện ích tại nông thôn chi phí về thuê mướn mặt bằng, nhân công sẽ rẻ hơn, nhưng ngược lại chi phí vận chuyển, quản lý sẽ phát sinh tăng lên.

Như vậy, bù trừ qua nhau cũng có thể ngang bằng nên phần lớn các ông chủ hệ thống phân phối không quá đặt nặng vấn đề này.

Nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng, chợ truyền thống là kênh bán lẻ được ghé thăm nhiều nhất ở nông thôn với 16 lượt mua sắm tại đây mỗi tháng, sau đó là chợ phiên (14 lượt mỗi tháng) và hàng rong (9 lượt mỗi tháng) tính trên đầu người. Các cửa hàng thương mại hiện đại như cửa hàng tạp hóa thường có trung bình 6 - 9 lượt mua sắm/tháng, siêu thị thậm chí chỉ 1 lượt/2tháng.

Chợ truyền thống chiếm tỷ trọng cao trong tiêu dùng tại nông thôn, vì phần lớn người nông thôn vẫn giữ thói quen mua sắm tất cả từ nhu yếu phẩm hàng ngày và đồ dùng sinh hoạt gia đình tại các chợ truyền thống. Đó là chưa kể, nhiều nơi đối với thực phẩm vẫn chủ yếu tự cung tự cấp, trong khi thế mạnh của các cửa hàng tiện dụng là thực phẩm tươi sống.

Nên khi DN bán lẻ có ý định phát triển hệ thống siêu thị mini, chuỗi cửa hàng bán lẻ về nông thôn vấp phải trở ngại chính là thói quen tiêu dùng khá cố hữu của người dân nơi đây là chuyện đương nhiên.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên khi muốn xâm nhập thị trường nông thôn DN cần tính toán cân đối giữa chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về để đưa ra quyết định.

Đồng thời để thay đổi thói quen, DN nên chọn cách lấy lòng tin của người tiêu dùng nông thôn bằng sự trung thực, chứng nhận chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm song hành với chính sách về giá cả sao cho phù hợp mức chi tiêu và thu nhập của người nông thôn để dần dần chinh phục được thị trường này.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều