Cuộc xuất ngoại của những “ông lớn”

16:00 | 29/01/2018

Sự tăng trưởng tại thị trường xây dựng nước ngoài sẽ đem về cho Việt Nam một nguồn thu ngoại tệ.

Ngành xây dựng 2018 tiếp tục tăng trưởng tốt
Hợp tác phát triển đô thị

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) cho biết, sau những bước đi thăm dò ban đầu, Hòa Bình đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng đến một thị trường đang phát triển nóng là Kuwait với gói thầu kết cấu bê tông cốt thép của dự án Criminal Evidence Headquarters trị giá khoảng 35 triệu USD.

cuoc xuat ngoai cua nhung ong lon
Các DN xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ở thị trường nước ngoài

Trước đó, ngay từ những năm 2011 – 2012, tập đoàn đã bắt đầu tham gia nhiều dự án tại Malaysia trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng bao gồm dự án chung cư cao cấp Le Yuan Residence, với 670 căn hộ, dự án cao ốc thương mại và văn phòng Desa Commercial khoảng 100.000m2 và đặc biệt, dự án Desa Green có quy mô lên đến 2.010 căn hộ.

Tiếp sau đó, Hòa Bình đã tham gia xây dựng dự án GEMS tại Myanmar cũng trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng. Để xây dựng được những công trình quy mô, đòi hỏi kỹ thuật cao tại nước ngoài, tập đoàn đã nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc cho các nhà thầu phụ địa phương, rút ngắn tiến độ thi công bình quân từ 19 ngày/sàn xuống còn 6 ngày/sàn với diện tích mỗi sàn là 2.000m2...

Có thể nói, đây là bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược hợp chuẩn quốc tế, định vị thương hiệu của Hòa Bình trong giai đoạn mới, minh chứng cho khả năng xuất khẩu dịch vụ xây dựng của những DN Việt Nam ra thị trường xây dựng nước ngoài.

Có tên trên “bản đồ” định vị của những ông lớn ngành xây dựng mở rộng thị phần ra nước ngoài, không thể không nhắc đến CTCP Xây dựng Coteccons (Coteccons). DN này cũng đã từng đem “chuông” đi chinh phục xứ người từ khá sớm. Thông qua công ty thành viên Unicons đánh dấu sự xuất hiện tại thị trường Lào bằng việc trở thành nhà thầu chính cho dự án xây dựng nhà xưởng may mặc Mascot tại thủ đô Viên Chăn. Nhà máy có quy mô khoảng 8.000 m2, được thi công trong vòng 5 tháng với giá trị gói thầu là 2 triệu USD.

Ngoài ra, với ưu thế về kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý dự án, Unicons cũng đã bắt đầu mở rộng sang thị trường xây dựng tại Campuchia thông qua việc cung cấp nhân sự quản lý và tư vấn kỹ thuật cho dự án Laurelton Diamonds, nhà máy chế tác kim cương của Tập đoàn Tiffany & Co, tại Đặc khu Kinh tế Phnom Penh, Campuchia.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons đã từng cho biết về kế hoạch, không chỉ là thị trường Lào, Campuchia, sắp tới công ty sẽ còn mở rộng sang nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Điều này là hoàn toàn có thể bởi các DN trong ngành xây dựng của Việt Nam đang có cơ hội đảm nhận các công trình phức tạp trong và ngoài nước do hội tụ nhiều lợi thế về lao động, công nghệ, kỹ thuật, tiềm lực tài chính và cả kinh nghiệm trong việc xây dựng những công trình quy mô, đòi hỏi độ phức tạp, kỹ thuật cao.

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam được tạo ra bởi năng lực trình độ chuyên môn cao nhưng bên cạnh đó còn là sự cạnh tranh về chi phí nhân công, vật liệu xây dựng, dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và nhiều dịch vụ liên quan. Một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần mức bình quân thế giới bởi xây dựng là một ngành không được giới trẻ ở các nước phát triển ưa chuộng.

Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/triệu dân, trong khi của thế giới là 3.000. Việc cọ xát với thị trường nước ngoài là phương cách rất hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo luôn theo kịp trình độ thế giới và đây cũng là cách tốt nhất về lâu dài để bảo vệ được thị trường nội địa.

Một số chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực trong ngành xây dựng rất dồi dào này nếu chỉ phục vụ cho thị trường trong nước sẽ khó tránh khỏi tình trạng dư thừa. Thị trường xây dựng nước ngoài với quy mô lớn sẽ là phương án tối ưu giải quyết vấn đề này.

Đồng thời, sự phát triển của ngành xây dựng ra thị trường quốc tế sẽ giúp cho nhiều ngành có liên quan khác trong chuỗi cung ứng cùng phát triển ổn định và bền vững. Với quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, gấp vài trăm lần thị trường xây dựng nội địa, thị trường nước ngoài đầy tiềm năng và là một mục tiêu mà ngành xây dựng Việt Nam cần hướng đến.

Mặt khác, có thể nhận ra rằng trên thực tế ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở thị trường này. Ngoài ra, cũng có thể khẳng định ngành xây dựng Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng vượt bậc khi DN xây dựng trong nước tự tin xuất khẩu ra nước ngoài. Sự tăng trưởng này sẽ đem về cho quốc gia một nguồn thu ngoại tệ rất đáng kể.

Minh Tuyết

Tin đọc nhiều