Đa ngành sống khỏe?

09:30 | 27/07/2017

Phóng viên Thời báo Ngân hàng phỏng vấn ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) xung quanh vấn đề các DN BĐS phát triển kinh doanh đa ngành.

Địa ốc và những cuộc sang tên
Thận trọng với đa ngành
da nganh song khoe
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng

Ông nhận định thế nào về nhiều DN BĐS hiện nay thường phát triển đa ngành. Cùng đó, một số DN ngoài ngành lại “nhảy” vào lĩnh vực này?

Quan sát thị trường trong nước, đến thời điểm hiện tại, kinh doanh BĐS vẫn là kênh ưu tiên, đứng ở vị trí thứ 5 trong các lĩnh vực đầu tư, thu hút khoảng 0,7 tỷ USD. Đồng thời, lượng DN BĐS thành lập mới không ngừng tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 18.000 DN được thành lập mới, hơn 1/3 trong số này là DN kinh doanh dịch vụ BĐS.

Một trong những nguyên nhân thu hút DN ngoài ngành tham gia phát triển BĐS bởi đây được cho là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao, là lĩnh vực đầu tư ổn định và tiềm năng so với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, trái phiếu, thương mại dịch vụ…

Xét ở khía cạnh nhà đầu tư, sự tham gia của nhiều DN quy mô lớn nhỏ, trong ngoài ngành đang tạo nên “cuộc chiến” ngày càng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường BĐS. Tuy nhiên, về lâu dài, chỉ có những DN thực sự có kinh nghiệm, trường vốn, tạo dựng thương hiệu uy tín, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, mang đến cho khách hàng sự tin tưởng về sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng thì mới có thể trụ vững và tồn tại lâu dài trên thị trường. Điều này hoàn toàn có lợi cho người mua nhà, họ sẽ có nhiều lựa chọn và cơ hội sở hữu sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trong triết lý kinh doanh lại khuyên “không nên để trứng vào một giỏ”. Dưới góc độ của DN BĐS, ông phân tích quan niệm này như thế nào?

Kinh doanh BĐS không phải là lĩnh vực dành cho tất cả các nhà đầu tư. Nếu đặt BĐS trong tổng thể nền kinh tế sẽ thấy những tác động to lớn, mối quan hệ mật thiết và là động lực phát triển nhiều ngành nghề khác. Do vậy, sự cạnh tranh trong ngành này là rất lớn.

Cuộc đua trên thị trường BĐS hiện nay phụ thuộc rất lớn đến việc điều phối dòng vốn cho các dự án. Biên lợi nhuận BĐS hiện nay không còn cao như những năm trước, song trước khi nghĩ về con số này, nhà đầu tư cần quan sát “lối thoát hiểm”, kiểm soát tỷ lệ rủi ro. Việc này còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉnh táo đánh giá tính thanh khoản, mức độ rủi ro của suất đầu tư trước khi kỳ vọng đến lợi nhuận. Đứng ở góc độ là nhà đầu tư, điều hành DN, nên áp dụng phương pháp chia trứng vào nhiều rổ để giảm tỷ lệ rủi ro.

Nhưng ngay cả các DN BĐS cũng chuyển hướng sang kinh doanh một số lĩnh vực khác khi thị trường khó khăn. Đây cũng là chia trứng vào nhiều rổ để giảm tỷ lệ rủi ro?

Đây là động thái nhằm phát huy lợi thế, để “mưu sinh” trong giai đoạn thị trường khó khăn, hoặc cũng có thể là muốn dùng các lĩnh vực này để tiếp cận nguồn vốn được dễ hơn.

Việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn cũng có lợi thế là phân tán rủi ro, hỗ trợ những mảng kinh doanh yếu kém hơn. Tuy nhiên, vì không phải là ngành chính nên những DN này rất có thể chỉ mở rộng về quy mô, còn chất lượng chưa chắc đã tốt. Việc phân tích tình hình hoạt động trong các công ty kinh doanh đa ngành phức tạp, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đánh giá lợi thế, doanh thu từng ngành cụ thể.

Vì vậy, nhà lãnh đạo sẽ dựa trên việc đánh giá môi trường bên trong, bên ngoài và mục tiêu chiến lược của DN để chọn lựa chính xác cần phải mở rộng ngành nghề kinh doanh nào là phù hợp nhất. Tóm lại, để kinh doanh đa ngành thành công, DN phải có cơ cấu tài chính vững mạnh, quản trị DN tốt, năng lực lãnh đạo xuất sắc để tạo ra chiến lược thích hợp xuyên suốt và kế hoạch thoái vốn kiên định.

Xin cảm ơn ông!

Minh Tuyết thực hiện

Tin đọc nhiều