Đảm bảo chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu

12:00 | 08/05/2019

Để tham gia và hội nhập vào sân chơi toàn cầu buộc các DN xuất khẩu phải tuân thủ các quy định khắt khe, trong đó ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo VSATTP.

Xuất khẩu tính chuyện đường dài
Cẩn trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu
Hàng hóa trong nước phải tương đương chất lượng xuất khẩu

Trong xu thế hội nhập, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại (FTA). Trong đó, việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được coi là rất quan trọng. Các DN Việt Nam cũng đã không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nhiều DN vẫn chưa thực sự đảm bảo chất lượng các mặt hàng như lương thực, thủy sản khi xuất khẩu.

dam bao chat luong de day manh xuat khau
Hàng nông sản và thủy sản Việt Nam cần đảm bảo VSATTP

Theo Bộ Công thương, khi được đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Có thể thấy, với những FTA đang tạo cơ hội rất lớn cho các DN xuất khẩu, có tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bên cạnh những lợi thế thì thách thức đối với các DN xuất khẩu khi tham gia vào các thị trường mới, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia… cũng là rất lớn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định như đảm bảo quy tắc xuất xứ, ATVSTP.

Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua và đạt khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018.

Với EVFTA, nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, nông, thủy sản như cá tra, tôm, cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều, gạo… được cho là sẽ có nhiều lợi thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần tại EU. Tuy nhiên, đòi hỏi của thị trường EU về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là ATVSTP lại rất khắt khe. Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, phần lớn sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn là ở dạng thô, chưa được tinh chế sâu. Trong đó, về ATVSTP thì nhiều DN Việt Nam khi xuất khẩu vẫn vướng vào các quy định cấm như dùng quá nhiều hoặc sử dụng không đúng quy cách một số chất phụ gia; dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… tồn trong sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản còn lớn. Bởi vậy Việt Nam cần tích cực cải thiện hơn nữa các vấn đề này.

Liên quan đến chuyện này, Hệ thống Cảnh báo nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) đã từng thông báo 17 lô hàng nông sản và thủy sản Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về ATVSTP của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Thị trường này rất đề cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ATVSTP và có quy định rất chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.

Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA - Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), là thị trường tiềm năng nhưng những năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia còn hạn chế. Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường có quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm vào hàng nghiêm ngặt nhất thế giới. Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Australia bị từ chối/đơn vị giá trị nhập khẩu nhiều nhất giai đoạn 2003-2010. Do vậy, các DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định mà thị trường này đặt ra. Chỉ có thế mới có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa một thị trường lớn và giàu tiềm năng như Australia, bà Phương cho biết thêm.

Có thể thấy, để tham gia và hội nhập vào sân chơi toàn cầu buộc các DN xuất khẩu phải tuân thủ các quy định khắt khe, trong đó ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo VSATTP. Bởi vậy, bên cạnh việc chủ động tiếp cận thông tin về thị trường thì các DN cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều