Đánh thức tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp

13:29 | 22/08/2019

Tận dụng nguồn năng lượng trong sản xuất, các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng là những giải pháp đang được các đơn vị trong ngành công nghiệp ứng dụng để tiết kiệm năng lượng và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Lợi ích kép cho doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề "Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đánh giá: Hiện nay, lượng tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.

Điều này cho thấy, sự chủ động của chính các doanh nghiệp trong việc áp dụng những giải pháp hữu hiệu là rất cần thiết, giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng. Việc áp dụng này tạo ra lợi ích kép cho chính các doanh nghiệp, không những giảm được chi phí về năng lượng mà còn tăng sức cạnh tranh.

danh thuc tiem nang tiet kiem nang luong trong cong nghiep
Tiết kiệm năng lượng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Đơn cử như ngành Thép được xem là một trong những ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng được tiềm năng từ chính nguồn năng lượng trong sản xuất để phục vụ những nhu cầu về năng lượng và đã đạt được hiệu quả cao.

Chứng minh bằng con số cụ thể, ông Vũ Trung Dũng – Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương chia sẻ, mỗi tháng công ty có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng bằng việc tận dụng hơi quá nhiệt trong việc nấu ăn tại các bếp ăn, thay vì phải sử dụng khí gas như trước đây. Việc tận dụng hơi này giúp an toàn trong quá trình vận hành, nấu nướng, không gây cháy nổ; trong khi đó đầu tư thiết bị ít; giảm được chi phí cho việc sử dụng khí gas.

Ngoài các giải pháp cơ bản nhằm tiết kiệm năng lượng cũng được doanh nghiệp này áp dụng như thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, sử dụng công nghệ tách ẩm gió lạnh trước khi vào lò cao và sử dụng khí nóng lò COKE chạy turbine máy phát. Hiện, doanh nghiệp đã đầu tư và đưa vào vận hành 4 tổ máy phát điện nhiệt dư với tổng công suất thiết kế là 60MW, với cấp điện áp 6,3 KV. Lượng điện phát này được hòa cùng nguồn điện cung cấp cho Dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Không chỉ riêng ngành Thép, các nhà máy lọc hóa dầu cũng đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tối ưu hóa năng lượng trong sản xuất nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ra môi trường. Trong đó phải kể đến những giải pháp tối ưu hóa năng lượng cho lò đốt H1202 của Phân xưởng xử lý Naphtha bằng Hydro (NHT) của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hệ thống lò hơi phụ trợ 10B8001 của Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Việc xem xét tối ưu hóa năng lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động là những biện pháp cần thiết, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho các nhà máy, vừa phù hợp với chiến lược và chủ trương sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm của Chính phủ và cũng đang là xu thế chung của toàn thế giới.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao tiết kiệm năng lượng

Việc áp dụng các mô hình sản xuất tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp đều là những hoạt động thiết thực, nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày13/03/2019.

Theo đó, trong thời gian thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng này từ năm 2018 đến năm 2022 dự tính lượng năng lượng tiết kiệm đạt 0,93 triệu TOE/ năm, trong đó: lượng điện năng tiết kiệm: 1,853 triệu MWh/năm; lượng than tiết kiệm 1,075 triệu tấn/năm.

Để đạt thành công hơn nữa, các doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị bởi trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng luôn cao hơn so với chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được từ tiết kiệm có thể bù đắp cho chi phí đầu tư chỉ trong một thời gian không lâu.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định vai trò của các dự án hỗ trợ tài chính cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ về chính sách, nguồn tài chính cùng với chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài.

Hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra những dự án hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua huy động tài chính thương mại.

Theo đó, dự án này được chia thành hai hợp phần, hợp phần thứ nhất là cho vay đầu tư về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng với giá trị 156 triệu USD, trong đó ngân hàng BIDV và Vietcombank cùng các doanh nghiệp công nghiệp sẽ đầu tư 56 triệu USD, còn lại IBRD cho vay 100 triệu USD để thực hiện. Hợp phần thứ hai của dự án là hỗ trợ kỹ thuật với số vốn 1,7 triệu USD gồm: hỗ trợ công tác đánh giá, giám sát dự án; Kiểm toán các hoạt động của Ban quản lý dự án; Kiểm toán các ngân hàng tham gia dự án; Kiểm toán các tiểu dự án vay vốn đầu tư vào các giải pháp TKNL của doanh nghiệp; Tư vấn đánh giá thực hiện chính sách môi trường và xã hội của dự án.

Điều này cho thấy, các ngân hàng đã có những bước tiến mới trong việc chủ động và tích cực thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm của Chính phủ. Đây là những hỗ trợ kịp thời góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ thực hiện triển khai các nhiệm vụ giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Võ Hương Giang

Tin đọc nhiều