Đầu tư châu Á đổ vào tài chính Việt

13:12 | 01/04/2019

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong các quý I của 3 năm gần đây...

Quý I/2019, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 120 triệu USD
Các doanh nghiệp Đức tăng đầu tư tại Việt Nam

Trong đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần lên tới 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.

dau tu chau a do vao tai chinh viet
Samsung - nhà đầu tư Hàn Quốc đến nay đã chuyển gần như toàn bộ hoạt động
sản xuất đến Việt Nam là một ví dụ điển hình

Theo phân tích của chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các nhà đầu tư tài chính đã tìm ra được hướng đầu tư vào những thị trường mới, đặc biệt thị trường tài chính của các nước có nền kinh tế đang phát triển. Trong đó, thị trường Việt Nam nhận được nhiều lời khen của khối đầu tư nước ngoài. Chỉ trong các tháng đầu năm 2019, lượng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam luôn tăng thông qua thị trường vốn.

Điểm đáng chú ý, số lượng vốn ngoại năm nay đổ vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, tài chính công nghệ tăng lên, xuất phát từ những nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Theo một số nhà phân tích, nguyên nhân là các ngân hàng và tập đoàn tài chính trong nước đang có rất nhiều tiềm năng để khối ngoại khai thác đầu tư.

Mới đây nhất, Aeon (Nhật Bản) không giấu tham vọng sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, các công ty tài chính có cổ phần nhà nước. Tập đoàn Srisawad của Thái Lan vừa qua đã đánh tiếng muốn mua lại công ty cho thuê tài chính ALC I. Theo đó tập đoàn này hứa hẹn hoàn trả số vốn điều lệ 200 tỷ đồng của công ty cho thuê tài chính và cam kết thay mặt trả số nợ 323 tỷ đồng của công ty để được sở hữu hoàn toàn công ty này.

Trước đó, Shinhan Card của Hàn Quốc cũng đưa ra thông tin đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ công ty tài chính Prudential tại Việt Nam với giá khoảng 3.400 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, một lãnh đạo của Shinhan cho biết sau khi sắp xếp ổn định việc mua bán, nhà đầu tư này sẽ tiếp tục mở rộng thị trường bằng cách tham gia góp vốn vào một số công ty tài chính công nghệ tại Việt Nam. Một lãnh đạo cấp cao của Mirae Asset cho biết công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ USD các hoạt động chính như công ty chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và cho vay tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam. Theo lộ trình, Mirae Asset sẽ đầu tư tiếp vào thị trường Việt Nam tầm 1 - 2 tỷ USD trong vài năm tới.

Thực ra, không phải năm nay các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan mới quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam, nhiều năm trước, khối đầu tư này đã rót vốn nhiều vào lĩnh vực tài chính. Có điều, năm nay, nhận thấy tiềm năng tăng trưởng ở lĩnh vực tài chính còn lớn nên các nhà đầu tư đến từ châu Á liên tiếp đổ thêm vốn để mở rộng thị trường.

Theo Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra), tài chính - ngân hàng và fintech Việt sẽ là điểm nhấn quan trọng thứ 2 của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam năm nay.

Theo một chuyên gia tài chính, việc các nhà đầu tư châu Á đổ vốn vào thị trường tài chính Việt Nam hẳn nhiên xuất phát từ tiềm năng của nền kinh tế. Khi dân số Việt Nam đã lên tới gần 97 triệu người, thu nhập ngày càng tăng chính thị trường béo bở không phải quốc gia nào cũng có được. Song song đó, những cải cách thủ tục hành chính, chính sách thuế của Chính phủ vừa qua rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Lâm Anh

Tin đọc nhiều