Đầu tư nông nghiệp sạch để kéo vốn ngân hàng

08:15 | 18/07/2016

Thực phẩm không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực sự được xem là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay. 

Kết nối cung cầu nông sản sạch
“Làn sóng” đầu tư vào nông nghiệp sạch

Những quan ngại xung quanh vấn đề này đã được các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, cho đến các hiệp hội ngành nghề, DN… nêu ra tại hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp”, do Ban Kinh tế trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức cuối tuần qua.

dau tu nong nghiep sach de keo von ngan hang
Đầu tư nông nghiệp sạch để chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp

Chưa thoát cảnh manh mún

Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng ban thường thực, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, nâng cao chất lượng hàng hoá nông sản nói riêng và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung là đòi hỏi bức thiết được đặt ra trong tiến trình hội nhập. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện sức khoẻ người dân.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ thực phẩm bẩn bị phát hiện đang có xu hướng giảm đi, song vẫn còn ở mức cao. Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nông lâm sản và Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết, thống kê đến tháng 6/2016 cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản được kiểm tra đạt yêu cầu (Loại A/B) về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã tăng lên 79,76%, từ mức 78,3% của năm 2015.

Kết quả giám sát sản phẩm nông lâm thuỷ sản cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt, vẫn còn cao. Cụ thể, sản phẩm rau không đạt tiêu chuẩn ATTP là 4,2%, thịt là 10,93%; thuỷ sản nuôi 1,61%...

Thực phẩm bẩn vẫn còn “đất” để hiện diện, theo các chuyên gia là do sản xuất sạch hiện nay vẫn chưa được chú trọng. TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong khâu sản xuất nông sản, nhiều địa phương đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch như VietGap, GlobalGap, EuroGap, AseanGap vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên tỷ lệ nông phẩm đạt tiêu chuẩn Gap còn rất nhỏ trong nền nông nghiệp.

Đơn cử như sản xuất lúa gạo, tuy đã phát động phong trào “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước để sản xuất theo Gap, nhưng diện tích mới đạt khoảng 20.000 ha trên tổng số 4 triệu ha trồng lúa, cung cấp 120.000 tấn lúa, tương đương với 60.000 tấn gạo sạch, hiện là con số chưa đáng kể.

Hay như vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, hiện cũng mới chỉ có khoảng 0,14% diện tích trong tổng số 300.000 ha cây ăn trái được chứng nhận sản xuất theo quy trình Gap.

Việt Nam hiện là nước sản xuất chè xanh lớn thứ 2 thế giới, và là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Có 70% các hộ trồng chè đã học hoặc biết trồng chè theo hướng sản xuất an toàn, tuy nhiên đa số vẫn làm theo thói quen hàng ngày. 100% DN chế biến chè đã ý thức được việc áp dụng ISO và HACCP, nhưng tỷ lệ đạt chứng nhận chưa cao, chỉ 30% DN áp dụng các chứng nhận quốc tế về sản xuất bền vững và an toàn.

Hoàn thiện chính sách để NH mạnh dạn đẩy vốn

TS. Vũ Tuấn Anh đã chỉ ra một số trở ngại đối với tiến trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn ATTP. Theo đó, sản xuất nông sản sạch đòi hỏi suất đầu tư lớn, trong khi các DN sản xuất quy mô lớn theo quy trình công nghệ hiện đại còn ít trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu mới chỉ trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản, chế biến nông thuỷ sản xuất khẩu.

Đại bộ phận nông sản nước ta là do các hộ tiểu nông sản xuất theo cách thức truyền thống. Với vốn liếng ít ỏi, họ không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch đòi hỏi phải có quy mô cánh đồng và vùng sản xuất đủ lớn, trong khi ruộng đất của các hộ nông dân nhỏ và manh mún. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở tỉnh An Giang tuy được khuyến khích mở rộng nhưng vẫn vướng những trở ngại về tiêu thụ sản phẩm, về mối quan hệ hợp đồng giữa DN và nông dân.

Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả 2 bên liên kết là DN và các hộ nông dân dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm sạch, và làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại phương thức sản xuất nhỏ.

Cuối cùng, chi phí cho sản xuất sạch thường cao hơn sản xuất theo cách thức thông thường, khiến sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên hiện nay lại chưa có đầu mối đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi thương lái, thì lại hoà lẫn và bán với giá của sản phẩm thông thường. Đầu ra tiêu thụ, vì vậy là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia kiến nghị cần tăng đầu tư cho nông nghiệp, cả về số lượng tuyệt đối hàng năm lẫn tỷ trọng trong tổng đầu tư kinh tế của xã hội là điều kiện cần để có thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.

Chia sẻ về câu chuyện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó TGĐ Agribank cho biết, NH luôn chú trọng rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất an toàn, phát triển bền vững. “Nền nông nghiệp phát triển bền vững đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất và NH giảm thiểu rủi ro tín dụng”, bà Phượng nhấn mạnh.

Vì vậy, Agribank luôn chú trọng vào các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp bền vững, chú trọng đảm bảo môi sinh, môi trường. Các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, và NH kiên quyết nói không với các dự án ảnh hưởng môi trường và an toàn xã hội.

Tính đến 30/6/2016, dư nợ cho vay của Agribank đối với nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, trong đó có một số chương trình cho vay gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Thời gian tới, Agribank xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững, đồng thời kiến nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục hoàn thiện chính sách.

Cụ thể, các cơ quan Nhà nước xem xét hoặc tham mưu thẩm định, phê duyệt, đảm bảo tính pháp lý các dự án, phương án vay vốn theo chương trình tín dụng xanh để tạo điều kiện cho Agribank đẩy nhanh tiến độ thẩm định cấp tín dụng.

Cùng với đó, NHNN xem xét triển khai cụ thể hơn hệ thống các giải pháp toàn diện bảo đảm hệ thống NH có thể phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà đối tượng thụ hưởng chính là các DN đầu tư vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều