Đầu tư sẽ đổ vào doanh nghiệp chưa niêm yết?

10:19 | 10/12/2018

Để gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường vốn, Bộ Tài chính đang cân nhắc gỡ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty nhà nước được cổ phần hóa và các DN niêm yết vào cuối năm 2019. Nếu điều này sớm được thực hiện, dự kiến sẽ có thêm một lượng đáng kể vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các DN trong nước.

Một sự kiện đáng chú ý trên thị trường tài chính mới đây là việc Quỹ đầu tư toàn cầu Aura Group thành lập một quỹ đầu tư riêng cho thị trường Việt Nam với tên gọi The Aura Vietnam Healthcare Fund 1. Quỹ có tổng giá trị ban đầu khoảng 5,5 triệu USD. Thương vụ đầu tiên của quỹ này là đầu tư vào Tập đoàn Pacific Holdings - một doanh nghiệp chăm sóc y khoa có trụ sở chính tại TP.HCM với quy mô 30 phòng khám nha khoa và đa khoa trên cả nước.

“Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam sẽ tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn với mức giá phải chăng”, lãnh đạo Aura Group cho biết. Trước đó Aura Group cũng đầu tư vào startup công nghệ Teko với giá trị được giữ kín.

dau tu se do vao doanh nghiep chua niem yet
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm

Bên cạnh đó, vào cuối tháng 11/2018, Quỹ đầu tư Northstar Group cho biết đầu tư 50 triệu USD vào nền tảng giáo dục trực tuyến Topica, trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á cho đến nay. Hay mới đây, hai nhà đầu tư đến từ Nhật là Daiwa PI Partners và Softbank Ventures Korea đã rót 51 triệu USD vào kênh thương mại điện tử Sendo... Các nhà đầu tư đáng chú ý khác còn có Warbug Pincus hay KKR.

Theo hãng tư vấn Bain & Company, Việt Nam cùng với Indonesia là hai quốc gia được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường đầu tư PE (kênh đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết) trong các năm tới ở Đông Nam Á. Khảo sát của Bain & Company cho thấy 49% các nhà đầu tư được hỏi cho rằng Indonesia là thị trường đầu tư PE hấp dẫn nhất, Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 39%, trong khi đối thủ Thái Lan chỉ nhận được 1%, Philippines nhận được 5% đề cử.

Năm ngoái số lượng các công ty Indonesia huy động thành công trong lần gọi vốn đầu tiên đã tăng hơn 300% so với 2012. Cả hai thị trường Indonesia và Việt Nam chiếm đến 20% tổng giá trị đầu tư PE của khu vực trong 5 năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục trong các năm tới. Các lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm nhiều là công nghệ, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và logistics.

Trong quá khứ, các quỹ đầu tư PE cũng thắng lớn với các khoản đầu tư vào Việt Nam. Mekong Capital ghi nhận các khoản lợi nhuận lớn khi đầu tư vào chuỗi Thế giới Di động hay chuỗi trang sức PNJ. Trong danh sách các hãng công nghệ có giá trị 1 tỷ USD ở ASEAN, Việt Nam cũng có một cái tên: VNG bên cạnh những cái tên như Grab, Lazada...

Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, tầng lớp trung lưu và giàu có Việt Nam sẽ tăng từ 12 triệu người năm 2013 lên tới 33 triệu người vào 2020. Tốc độ tăng trưởng khả quan, đi kèm làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang đến động lực để các quỹ đầu tư tự tin rót vốn.

Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỷ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỷ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỷ USD khỏi Philippines, nhưng lại đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. “Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt lòng tin vào Việt Nam”, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Dragon Capital cho biết.

Báo cáo của Nhóm Công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018) mới đây cũng cho thấy thị trường vốn Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, từ mức 70 tỷ USD tăng lên 200 tỷ USD. Chứng khoán Việt Nam được đánh giá đang trở thành một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á hiện nay.

Để gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường vốn, Bộ Tài chính đang cân nhắc gỡ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty nhà nước được cổ phần hóa và các DN niêm yết vào cuối năm 2019. Nếu điều này sớm được thực hiện, dự kiến sẽ có thêm một lượng đáng kể vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các DN trong nước.

Nam Minh

Tin đọc nhiều