Đầu tư vào nông nghiệp: Khó suôn sẻ nếu thiếu chính quyền “dắt lối”

09:17 | 06/05/2015

Mô hình nông nghiệp theo chuỗi đang ngày càng lan rộng

Khi chính quyền quyết tâm

“Nếu không có các chính sách hỗ trợ của tỉnh, dự án chắc chắn khó có thể tiếp cận vốn NH và không thể thực hiện được như ngày hôm nay”, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc nói về mô hình trang trại lợn lớn nhất của huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đặt trên địa bàn xã này. Vượt ra khỏi cấp huyện, ông Thạch tự hào giới thiệu đây còn là mô hình nông nghiệp trọng điểm của cả tỉnh Hà Tĩnh bởi có sự tham gia từ các cấp chính quyền cao nhất, nhờ đó đã có hợp tác thành công giữa 3 bên DN, NH và người nông dân, với cách làm bài bản và quy mô lớn.

dau tu vao nong nghiep kho suon se neu thieu chinh quyen dat loi
Còn nhiều khó khăn với các DN muốn làm quy mô lớn và bài bản

Với hơn 2.400 con lợn, trang trại rộng hơn 28.000 m2 cần tới hơn 7 tỷ đồng vốn đầu tư toàn bộ. Trong đó NH cho vay hơn 5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định, nếu không có vốn NH thì dự án chắc chắn không thể thành hình được như ngày hôm nay. Đồng thời nhờ có chính sách khuyến khích của tỉnh Hà Tĩnh nên 100% nguồn vốn vay từ NH được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất để đảm bảo thời gian thu hồi vốn. Đây cũng là dự án được CTCP chăn nuôi CP Việt Nam bao tiêu từ thức ăn, con giống, kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm.

“Ban lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, Hà Tĩnh nhất định phải có một mô hình trang trại trọng điểm để từ đó nhân rộng, vậy là chúng tôi bắt tay vào làm”, Chủ tịch xã Tân Lộc trả lời câu hỏi của Thời báo NH về việc tại sao dự án này lại nhận được sự quan tâm từ cấp chính quyền cao nhất tỉnh như vậy.

Ông Thạch nhận định, nếu để các bên tự hợp tác thì cơ hội thành công là rất nhỏ bởi không có đủ điều kiện đảm bảo khả năng sinh lời cho khoản đầu tư từ các bên. Phía DN đưa ra những điều kiện khắt khe bắt buộc, chẳng hạn trang trại phải có sức chứa từ 1.500 con lợn trở lên, cách khu dân cư ít nhất 500 m, có đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường… Phía NH để chấp thuận rót số vốn 5 tỷ đồng trong điều kiện khó thẩm tra được tính khả thi của dự án, tài sản thế chấp hạn chế, cũng là điều khó khăn. “Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với ngành NH khi đứng ra cam kết sẽ hỗ trợ hộ vay cũng như làm việc trực tiếp với DN”, ông Thạch cho biết.

Bên cạnh mô hình lớn, hiện nay xã cũng đang nghiên cứu phát triển mô hình tổ hợp 10 hộ nuôi khoảng 20-30 con lợn/hộ. Với tổ hợp này số tiền cho vay vào khoảng 1,7 tỷ đồng, sẽ cho ra lứa 250 con lợn, được tỉnh đứng ra chỉ đạo thu mua.

Hiện tại theo quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi tập trung của Hà Tĩnh đến năm 2020, có 224 vùng nuôi lợn với 476 trang trại lợn công nghiệp tập trung. Thế nhưng hiện nay trên địa bàn cả tỉnh mới chỉ có 2 mô hình nuôi lợn được đánh giá là đầu tư bài bản, có quy mô đủ lớn để có thể hợp tác với DN, trong đó có mô hình nêu trên. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã xác định phải tập trung phát triển một số mô hình trọng điểm để hộ nông dân, NH và DN cùng tin tưởng, sau đó tiếp tục nhân rộng. Vì vậy, tỉnh đã cụ thể hoá bằng các chính sách thiết thực và chỉ đạo sát sao tới từng huyện, xã.

Lấp đầy khoảng trống rủi ro

Sự xắn tay vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương để “se duyên” trong hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho thấy những chuyển biến tích cực trong ngành này đang được nhân rộng; chính quyền đã dần xác định phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi, trong đó DN đóng vai trò đầu kéo.

Tại Hà Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Mai Tiến Dũng cũng rất hào hứng với kế hoạch phát triển đàn bò sau khi triển vọng hợp tác với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mở ra. Theo ông Dũng, Hà Nam khó làm theo mô hình lớn, do đó sẽ hình thành nhóm hộ gia đình và hợp tác xã kiểu mới, với quy mô khoảng 50 con bò/hộ. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, tỉnh đang có lợi thế khi đồng loạt thực hiện các chính sách phục vụ cho việc phát triển đàn bò.

Đó là bởi cùng thời điểm hiện tại, Hà Nam tiến hành dồn ô đổi thửa nên thuận lợi cho những cánh đồng lớn trồng cỏ. Những cánh đồng lúa cho năng suất kém sẽ thay bằng việc trồng cỏ và ngô để nuôi bò, dự kiến đáp ứng được 80% nhu cầu. Với các kế hoạch này, Hà Nam xác định chăn nuôi sẽ là ngành chính trong nông nghiệp khi nuôi bò sữa và nuôi heo chiếm trên 80% tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều địa phương đang hướng tới việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với sự vào cuộc của chính quyền, nông nghiệp vốn mang tiếng là đầu tư nhỏ lẻ, rủi ro cao, nay đã có triển vọng trở thành lĩnh vực đầu tư nhiều tiềm năng. Động thái mở rộng hoạt động của nhiều DN vào lĩnh vực này thời gian gần đây cũng cho thấy, DN đã nhận thấy triển vọng đầu tư vào nông nghiệp.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, trước mắt đây vẫn là lĩnh vực đầy mới mẻ đối với DN trong nước muốn làm ăn chuyên nghiệp và bài bản. Và vẫn còn nhiều khoảng trống mà Nhà nước cần phải bù đắp để hỗ trợ các bên tham gia vào lĩnh vực này.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Bộ NN&PTNT phân tích, đầu tiên phải cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, cấp điện không được chênh lệch giữa các vùng. “Chính sách đất đai cần điều chỉnh rất nhiều để hỗ trợ nhà đầu tư vào nông nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh đây là điều gây khó khăn cực kỳ lớn cho DN. Theo đó, nhiều DN muốn có đất phải đàm phán từng hộ nông dân để mua lại quyền sử dụng đất. Khi họ có trong tay hàng chục, thậm chí hàng trăm sổ đỏ, họ phải làm việc với chính quyền địa phương thuê lại phần diện tích đó. Đây đều là những thủ tục phức tạp, tốn kém và kéo dài.

Những phản ánh từ thực tế cũng chứng thực cho nhận định của chuyên gia này. Chủ tịch UBND xã Tân Lộc khi chốt lại về sự thành công của dự án trang trại lợn nói trên, đã thừa nhận điểm thuận lợi của chủ hộ này là có diện tích đất đủ lớn, do đó rút ngắn đáng kể thời gian xúc tiến hợp tác với DN và giải ngân từ phía NH.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều