Đẩy mạnh công nghệ để phát triển công nghiệp chế biến

09:02 | 22/11/2018

Chế biến nông, lâm, thủy sản là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. 

Cần xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia
Xu hướng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cuối năm 2018

Theo đó, định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Để làm được điều này, DN Việt rất cần ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

day manh cong nghe de phat trien cong nghiep che bien
Các DN giới thiệu sản phẩm nông nghiệp được chế biến bằng công nghệ kỹ thuật với nhà cung ứng

Theo Bộ Công thương, trong thời gian vừa qua, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng đều đặn với mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình từ 2013 đến 2017 đạt 6,82%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,76% đối với đồ uống. Tính riêng 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp thực phẩm chế biến và đồ uống tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Bộ Công thương, thị trường thực phẩm – đồ uống Việt Nam được đánh giá rất có tiềm năng và còn nhiều dư địa để các DN tận dụng. Hiện nay, thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam, khoảng 35% tổng mức chi tiêu.

Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng tăng lên khi mà mức thu nhập được cải thiện, thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn và xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, hữu cơ ngày càng phổ biến.

Số liệu thống kê từ 2013 đến 2017 cho thấy, chỉ số tiêu thụ thực phẩm chế biến đã tăng trung bình 9,12%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 11,28%/năm. Trong đó, năm 2017 được đánh giá là có sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với sản xuất thực phẩm và đồ uống khi mà chỉ số tiêu thụ sản phẩm 2 ngành này đều tăng xấp xỉ 18%. Những con số trên đã cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống rất tiềm năng.

Người tiêu dùng ngày nay yêu cầu nhiều loại sản phẩm đa dạng hơn, ngon miệng hơn và sạch hơn. Chính những điều này đã tạo thành các phân đoạn thị trường mới, thúc đẩy sự gia tăng mẫu mã và chủng loại của nhiều sản phẩm hơn nữa. Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã buộc các DN phải gia tăng tốc độ phát triển và hiệu quả sản xuất, đồng thời không ngừng tiếp cận công nghệ mới.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc công ty TNHH Giải pháp công nghệ Minerva cho rằng, làn sóng công nghệ 4.0 sẽ tạo những đột phá trong suốt quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng để cải thiện hiệu suất hoạt động chung cho một công ty và các đối tác. Các công nghệ này giúp hạn chế thời gian ngừng hoạt động không mong muốn, tránh làm gián đoạn quá trình sản xuất; hạn chế khả năng hàng hóa có thể bị hư hỏng do nhiệt độ, sốc hoặc sự chậm trễ lâu dài…

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đã bước vào một giai đoạn mới đặc biệt năng động, tràn đầy cơ hội và cũng không ít rủi ro. Ảnh hưởng từ cuộc cách mạng 4.0 có thể dẫn đến các hệ lụy như thất nghiệp, mất doanh thu và phá sản đối với những doanh nghiệp phản ứng chậm hoặc áp dụng không hiệu quả, bên cạnh việc tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển của ngành.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại của nhiều DN, những thay đổi chủ yếu nằm trong các lĩnh vực: vận hành, bảo trì, năng lượng và thông tin.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cũng đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và giúp doanh nghiệp tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và rõ ràng, đây là hướng đi tất yếu của các DN hiện nay.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều