Đẩy mạnh liên kết cơ sở hạ tầng

15:00 | 17/08/2018

Trên thực tế hiện nay, việc liên kết của các tỉnh, thành trong khu vực còn lỏng lẻo, tính cát cứ địa phương còn rất lớn...

Thế mạnh cơ sở hạ tầng

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế vào đến Bình Định. Trong đó, Đà Nẵng đang được xem là đầu tàu về phát triển KT - XH ở khu vực.

day manh lien ket co so ha tang
Đà Nẵng có nhiều thế mạnh về cơ sở hạ tầng

Trên thực tế, trong quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thành phố bên bờ sông Hàn đã được xác định là đóng vai trò hạt nhân của vùng. Với nhiều lợi thế, những năm gần đây nền kinh tế ở địa phương tiếp tục có những bước phát triển vững chắc. Đà Nẵng đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Năm 2017, được coi là một năm đầy thành công của công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư của thành phố này với 111,9 triệu USD là tổng vốn FDI thu hút được trên địa bàn trong năm, tăng hơn 6,5 lần so với năm 2016. Hiện, các nhà đầu tư Singapore đang đứng đầu trong bảng xếp hạng đầu tư vào Đà Nẵng, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang là cửa ngõ du lịch của khu vực miền Trung. Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến địa phương ước đạt 4 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, du khách Hàn Quốc ước đạt hơn 800 nghìn lượt, tăng 101% so với cùng kỳ 2017, chiếm tỷ lệ 50% khách quốc tế đến Đà Nẵng; Lượng khách Trung Quốc ước đạt 368 nghìn lượt, chiếm tỷ lệ 23% khách quốc tế đến Đà Nẵng...

Một trong những điểm mạnh của Đà Nẵng, đang được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đánh giá cao đó chính là cơ sở hạ tầng. Hiện, Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng có đến hàng chục đường bay trực tiếp. Trong đó, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng cũng sở hữu gần 1.700 mét cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 DWT với năng lực tiếp nhận hàng hóa qua lên đến 12 triệu tấn/năm. Đây cũng là một trong những cảng đón tiếp các tàu du lịch quốc tế lớn nhất nhì ở miền Trung...

Theo ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, hiện nay Đà Nẵng đã hội đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để có thể thực hiện liên kết vùng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ hoàn thành trong tháng 9/2018. Đường hầm Hải Vân 2 nối với Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thành trong năm 2020. Cảng Tiên Sa sẽ thành cảng du lịch sau khi việc đầu tư cảng Liên Chiểu hoàn tất... Những dự án này càng tạo nên thế mạnh về cơ sở hạ tầng cho Đà Nẵng.

Trước đó, Đà Nẵng cũng đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Trong đó, xác định mục tiêu “phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Cảng Liên Chiểu sẽ được sử dụng như cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của các nước Asean và rộng hơn là Châu Á - Thái Bình Dương...

Liên kết để cùng phát triển

Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, do Ban Kinh tế Trung ương cùng Thành ủy Đà Nẵng tổ chức nhằm đánh giá lại 15 năm phát triển thành phố trong thời kỳ hội nhập, nhiều chuyên gia đã cho rằng, Đà Nẵng cần tăng cường liên kết hơn nữa với các địa phương khu vực như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam hay Quảng Ngãi. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết trên các lĩnh vực cảng biển, hàng không, đường bộ... để có thể tạo ra phát triển bền vững cho Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận trong thời gian đến.

Trên thực tế hiện nay, việc liên kết của các tỉnh, thành trong khu vực còn lỏng lẻo, tính cát cứ địa phương còn rất lớn. Thậm chí, có một số địa phương còn cạnh tranh lẫn nhau, đặc biệt trong phát triển lĩnh vực du lịch. Vốn là thế mạnh của nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong bối cảnh đó, việc liên kết thực chất hơn, hiệu quả hơn cần sớm được các địa phương trong khu vực triển khai và thực hiện. Trong đó, kết nối về cơ sở hạ tầng là một trong những điều cần sớm thực hiện.

Theo TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Đà Nẵng cần xác định rõ vai trò trong liên kết phát triển vùng, cần quy hoạch vùng đô thị Đà Nẵng nhằm hình thành chuỗi đô thị từ Lăng Cô đến Dung Quất. Trong đó, trọng tâm là tam giác Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần chủ động chia sẻ ý tưởng với các địa phương trong vùng, nêu rõ lợi ích chung của toàn vùng và của từng địa phương để cùng phát triển một cách bền vững.

Đơn cử, với việc mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, đồng thời kết nối sân bay này với sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đang được đầu tư mở rộng sẽ tạo điều kiện không chỉ để phát triển du lịch mà còn cả kinh tế của vùng. Tương tự, nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình việc kết nối 2 sân bay này để phát triển kinh tế, đặc biệt là khai thác thế mạnh du lịch của vùng.

Được biết, trong định hướng giao thông đối ngoại, Đà Nẵng cũng đang tính phương án để sớm đầu tư, mở rộng nâng công suất khai thác của Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đạt công suất tối đa 28 - 30 triệu khách/năm.

Mở rộng đạt tối thiểu quy mô 2 làn xe tuyến quốc lộ 14D đoạn Túy Loan - thị trấn Prao (Đông Giang), đầu tư di dời Ga đường sắt Đà Nẵng, mở tuyến Đà Nẵng - Hội An theo tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Cổ Cò. Bên cạnh là đề án Thành lập và Bổ sung Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020...

Những chủ trương này được kỳ vọng sẽ sớm hiện thực hóa việc kết nối hạ tầng ở khu vực; tạo tiền đề quan trọng để kết nối cùng phát triển giữa các địa phương duyên hải miền Trung. Từ đó đưa Đà Nẵng thực sự trở thành đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh, thành trong khu vực và các nước ở tiểu vùng sông Mê Kông.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều