Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

09:41 | 07/06/2017

Đến năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa trên 4.500 DNNN. Dù vậy, thực tế 10 năm qua cho thấy, cổ phần hóa luôn chậm so với yêu cầu.

Duyệt phương án cổ phần hóa IDICO
Lọc dầu Dung Quất được định giá 3,2 tỷ USD
Phải bán vốn tốt hơn

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Phan Đức Hiếu, cổ phần hóa không chỉ là giải pháp trọng tâm của sắp xếp, đổi mới DNNN, mà còn thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

day nhanh tien do co phan hoa
Thực tế 10 năm qua cho thấy, cổ phần hóa luôn chậm so với yêu cầu

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII mới đây có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các DNNN thành DN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Việc đặt mục tiêu chuyển hầu hết DNNN thành CTCP thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta trong đổi mới, cơ cấu lại khu vực DNNN, nhưng sẽ có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.

Đến năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa trên 4.500 DNNN. Dù vậy, thực tế 10 năm qua cho thấy, cổ phần hóa luôn chậm so với yêu cầu. Tiến độ cổ phần hoá giai đoạn 2007-2010 chỉ đạt 30% kế hoạch, giai đoạn 2011-2015 đạt 93% kế hoạch, nhưng có tới một nửa số DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa vào năm 2015 - là năm cuối của kỳ kế hoạch. Cả năm 2016 chỉ cổ phần hóa được 56 DN. Còn về chất lượng, hầu hết các DN cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 không đạt kế hoạch thoái vốn nhà nước theo phương án đã được phê duyệt. Tỷ lệ cổ phần nhà nước sau cổ phần hóa luôn cao hơn so với quy định (ở các mức trên 75%, 50-65%, dưới 50% vốn điều lệ).

“Nhìn ở một góc độ tổng thể hơn, kết quả cổ phần hóa DNNN chưa có ảnh hưởng đáng kể đến tái cơ cấu kinh tế, chưa thu hút nhà đầu tư bên ngoài, tỷ lệ cổ phần nhà nước còn lớn và vì vậy, chưa góp phần phân bổ lại nguồn lực giữa DNNN với DN khác, mức độ đóng góp vào tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế chỉ ở mức độ hạn chế”, ông Hiếu nhận xét.

Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg cả nước sẽ chuyển 137 DNNN thành CTCP. Các chuyên gia kinh tế cho biết, về số lượng, chúng ta hoàn toàn có khả năng nhanh chóng chuyển đổi các DN này. Nhất là thời gian gần đây, nhiều động thái đã bày tỏ sự quyết tâm hoàn thành kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt hơn công tác cổ phần hóa từ phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Hơn nữa khung khổ thể chế và pháp luật về DNNN nói chung, cổ phần hóa nói riêng có thể có những thay đổi quan trọng.

Trong bối cảnh tổng thể như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng nó cho phép hy vọng về một kết quả khả quan trong thực hiện kế hoạch cổ phần hóa 2016-2020 xét về số lượng DN chuyển đổi. Trên khía cạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải thiện quản trị công ty, việc chuyển DNNN thành CTCP như định hướng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII cũng là một bước khởi đầu cần thiết, tốt hơn so với mô hình DN 100% sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không nằm ở số lượng DN chuyển đổi, mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của cổ phần hóa và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển chung của đất nước. Do đó, trong giai đoạn 2016-2020, cần có các giải pháp căn bản hơn như cải thiện quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế, áp đặt kỷ luật thị trường và kỷ luật tài chính đối với DNNN; thay đổi căn bản cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước, loại bỏ những ưu đãi, lợi thế của DNNN, xác định lại vai trò của DNNN trong thể chế kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân và đảm bảo một cơ cấu hợp lý của DNNN trong nền kinh tế theo thông lệ kinh tế thị trường…

Nhằm sớm tổ chức lại nền kinh tế hiệu quả, Quốc hội cũng vừa thảo luận về thực hiện giám sát chuyên đề với việc thực hiện chính sách pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Nếu chuyên đề giám sát này được Quốc hội thông qua, sẽ có phạm vi giám sát “quét” toàn bộ các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong giai đoạn từ 2006 đến 2016. Theo đó, đối tượng giám sát là các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố có quản lý DNNN; các DN đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ được thành lập và tổ chức hoạt động theo Luật DN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, việc giám sát chuyên đề này giúp cho Quốc hội thấy được tổng thể về tái cơ cấu DNNN, đánh giá được kết quả, hiệu quả đạt được, những hạn chế, bất cập của chính sách, pháp luật, công tác điều hành, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan liên quan; từ đó, đưa ra yêu cầu, giải pháp hữu hiệu hơn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu DNNN, sớm tổ chức lại nền kinh tế để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của đất nước.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều