Doanh nghiệp lớn tìm thị trường ngách | |
Bán lẻ tăng tốc tạo sức hút với nhà đầu tư |
Nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi bản thân các DN phải nỗ lực vươn lên làm chủ thị trường |
Không riêng gì hệ thống bán lẻ này của Tập đoàn Vingroup đang có tốc độ phát triển và phủ sóng mạnh mẽ trên sân nhà, một “ông lớn” khác trên thị trường bán lẻ của Việt Nam là Saigon Co.op cũng bắt đầu chiến dịch mở rộng quy mô để chiếm lĩnh thị trường của mình mà gần đây nhất là thương vụ "nhanh tay" mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống bán lẻ của Auchan Reatil (Pháp) tại Việt Nam, sau khi hệ thống bán lẻ này tuyên bố rút khỏi thị trường.
Qua đó, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động Auchan tại Việt Nam gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên đang làm việc cho Auchan. Như vậy, hiện mạng lưới của Saigon Co.op đã lên tới 125 siêu thị Co.opmart trải dài từ Bắc đến Nam.
Cùng với sự lớn mạnh nhanh chóng của nhiều “đại gia” nội địa trong ngành bán lẻ, ở chiều ngược lại không ít tên tuổi trong lĩnh vực này lại kinh doanh thua lỗ, làm ăn bết bát, thậm chí đã phải “dứt áo ra đi” vì không chịu nổi “sức nóng” của thị trường như trường hợp của Metro, Parkson, 7-Eleven, GS25... Đáng chú ý, phần lớn trong số đó là những tên tuổi bán lẻ "sừng sỏ" trên thương trường với nhiều năm kinh nghiệm và nguồn vốn khủng, nhưng đã không thể giành được miếng bánh thị phần sau nhiều năm chinh chiến.
Câu chuyện của 7 Eleven hay GS25 là ví dụ điển hình. Khi những tập đoàn bán lẻ này vừa đặt chân vào thị trường Việt Nam đã đặt kỳ vọng nhanh chóng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, nhưng thực tế đến nay, họ đang có những kết quả kinh doanh không thể khả quan. Cụ thể, ở thời điểm vừa có cửa hàng đầu tiên, 7-Eleven khẳng định đến năm 2020 sẽ cán mốc 100 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, và đến năm 2027, 7-Eleven sẽ phủ sóng khắp cả nước, với số điểm kinh doanh lên đến 1.000 cửa hàng.
Tuy nhiên, trái ngược với ý định mở rộng chuỗi thần tốc đó, đến nay, 7-Eleven chỉ có tổng cộng 21 điểm kinh doanh, tức chỉ mới đạt 20% chỉ tiêu 100 cửa hàng trong 3 năm hoạt động đầu tiên. Tương tự, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc cũng từng tuyên bố sẽ mở 2.500 cửa hàng tiện lợi sau 10 năm tấn công thị trường Việt Nam, nhưng sau gần 2 năm có mặt, số lượng điểm kinh doanh của GS25 đến thời điểm này cũng mới vỏn vẹn 32 cửa hàng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu từ thương mại và dịch vụ của Việt Nam ước đạt 3.215,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.444,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức bán lẻ và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng tích cực này đã chứng minh nhu cầu gia tăng của người dân trong nước, Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu thương mại Việt Nam cũng đưa ra nhận định, thị trường bán lẻ hàng hóa đang chứng kiến sự gia tăng tại các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Dự báo các cửa hàng tiện lợi sẽ chứng kiến sự tăng trưởng ở mức 2 con số trong 3 năm tới và đạt mức tăng trưởng 37,4% vào năm 2021. Theo chiến lược phát triển thương mại nội địa, tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 13% mỗi năm cho đến năm 2020 và tăng 14% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực tăng trưởng nhanh và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, lĩnh vực này đứng thứ 3 trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm với tổng vốn đăng ký là 1,2 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn FDI của cả nước. Và rõ ràng là đối với người tiêu dùng trong nước, khi càng có nhiều nhà đầu tư, DN tham gia vào thị trường, người tiêu dùng càng có thêm sự lựa chọn, hàng hóa phong phú, đa dạng và điều này cũng đồng nghĩa với việc trong xu hướng cạnh tranh, giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn, phong cách phục vụ cũng chuyên nghiệp và ngày càng tốt hơn.
Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, Nghị định sẽ củng cố, hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối bán lẻ của doanh nghiệp FDI, nhất là các hoạt động thành lập cơ sở bán lẻ, phát triển chuỗi bán lẻ… Cùng với môi trường tự do hóa thương mại đặt ra những thách thức đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa và DN bán lẻ trong nước. Đây là cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các DN. Vì vậy, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa và DN nội chính là bài toán dài hạn đòi hỏi bản thân các DN phải nỗ lực vươn lên làm chủ thị trường. |
Phương Nam