Để thương mại điện tử tăng tốc bền vững

09:55 | 05/10/2018

Thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với hàng nghìn website mua bán trực tuyến ra đời mỗi năm, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng...

Thương mại điện tử: Quản lý tốt hơn để phát triển
Sàn thương mại điện tử: Trông chờ vào ý thức người bán

Mảnh đất vàng

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đưa ra trong Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2018, tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Nhiều doanh nghiệp cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

de thuong mai dien tu tang toc ben vung
Cần quản lý chặt chẽ hơn các trang TMĐT, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất khả quan. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Kết quả khảo sát năm 2018 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%) so với năm 2017 (0,9%). Ngoài ra, kết quả khảo sát còn ghi nhận, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng mua online.

Hà Nội liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số TMĐT. Doanh thu năm 2017 từ TMĐT trên địa bàn thành phố ước đạt 36 nghìn tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 2% so với năm 2016). Cho đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 7.726 website/ứng dụng TMĐT của tổ chức, cá nhân đã đăng ký hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp mới đây trên địa bàn cho thấy có 61% đã áp dụng các hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội vì nhận thấy đây là cách làm hiệu quả, tiện lợi, dễ ghi nhận phản hồi của khách hàng với mức chi phí thấp; 37% số doanh nghiệp cho biết doanh thu từ TMĐT chiếm khoảng 30% tổng doanh thu; 16% số doanh nghiệp có 50% tổng số doanh thu là từ TMĐT.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, sự phát triển nhanh của loại hình giao dịch này đã dẫn đến những biến tướng, tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên và ngày càng gia tăng, khiến cho nhiều người dần mất niềm tin vào hình thức mua bán online. Có trường hợp còn lợi dụng các hoạt động này để lừa đảo, chủ yếu thông qua các giao dịch trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc rõ ràng và hàng giả, hàng nhái...

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc phát hiện, quản lý, xử lý những trường hợp này hết sức khó khăn, bởi các giao dịch mà sản phẩm là hàng giả, hàng nhái thường không có hóa đơn, chứng từ. Nhiều website, tài khoản giao dịch trên mạng xã hội chỉ là địa chỉ ảo, nên khó kiểm soát, xử lý khi có sai phạm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, đây chính là vấn đề mà rất nhiều người tiêu dùng lo ngại khi sử dụng TMĐT.

Đưa vào khuôn khổ

Để quản lý các hình thức kinh doanh trực tuyến, hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Thông tư Quy định về quản lý website TMĐT ứng dụng trên thiết bị di động, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Với các trường hợp vi phạm, Bộ Công thương sẽ công khai tên website TMĐT, tên và thông tin của thương nhân, tổ chức sở hữu website, ứng dụng di động có các hành vi vi phạm.

Nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực TMĐT của Thủ đô, năm 2018 Sở Công thương Hà Nội cũng đã đưa vào vận hành chính thức website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” có địa chỉ: http://bandomuasam.hanoi.gov.vn, qua đó cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, vị trí mạng lưới máy bán hàng tự động... trên địa bàn Thủ đô.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, sở đã tích cực triển khai công tác quản lý và phát triển TMĐT trong các lĩnh vực: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ứng dụng thuế điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Ngoài ra, để ứng dụng TMĐT vào tiêu thụ nông sản, thực phẩm, thành phố đã khuyến khích doanh nghiệp thành lập các website/ứng dụng TMĐT chuyên ngành kinh doanh nông sản, thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại.

Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động TMĐT; xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm pháp luật kinh doanh trên môi trường mạng.

Theo các chuyên gia, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía người tiêu dùng cũng cần chủ động bảo vệ chính mình, nên mua hàng tại những website uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin rõ ràng và tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua, không nên ham rẻ để tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều