Đề xuất xóa nợ với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi

10:27 | 05/03/2019

Vừa qua, tại Quảng Ninh, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo góp ý về về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt nộp chậm, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách.

de xuat xoa no voi cac khoan no thue khong con kha nang thu hoi
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Theo đó, dự kiến xóa nợ thuế 27.753 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy số thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm, bình quân giai đoạn 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống ở mức 7,6% năm 2017 và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. Trong đó: Nợ do cơ quan thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Nợ do cơ quan hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016.

Đối với số nợ do cơ quan thuế quản lý, nợ có khả năng thu là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ; tiền phạt vi hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Trong số 5.320 tỷ đồng tiền thuế nợ do cơ quan Hải quan quản lý, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng; tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Theo đó, dự kiến xóa nợ thuế 27.753 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho nhà nước. Việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu sẽ giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách.

Bộ Tài chính đánh giá: Việc ban hành nghị quyết cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, mặc dù các khoản nợ này tồn tại nhưng không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu được và hàng năm không thực hiện giao dự toán thu đối với các khoản nợ này.

Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết sẽ có tác động trên toàn quốc, do đó yêu cầu cần phải có sự chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ thuế của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc thực hiện xử lý nợ công khai, minh bạch, chính xác đúng đối tượng, đảm bảo tính nghiêm minh và không để thất thu ngân sách nhà nước.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đều thống nhất với đề xuất của Cơ quan soạn thảo và cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xóa nợ thuế đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi. Bởi các khoản nợ này đã trải qua nhiều năm và gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thuế. Đối với một số doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn khi hiện nay cũng đang phải gánh những khoản nợ thuế để lại từ nhiều năm trước qua quá trình sáp nhập, giải thể...

Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ, ngành và địa phương, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Được biết, dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 để trình Quốc hội quyết định vào tháng 5/2019.

PL

Tin đọc nhiều