Dệt may lo vỡ kế hoạch

11:32 | 15/06/2012

Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều DN dệt may chỉ sản xuất cầm chừng và chỉ ký được đơn hàng ngắn làm trong khoảng 3 tháng chứ không ký được hợp đồng dài từ 6 tháng hay 1 năm như các năm trước. Kế hoạch sản xuất vì vậy cũng rất bị động.

Thiếu vốn, thiếu lao động, giảm đơn hàng

Đã sang nửa tháng 6, lẽ ra thời điểm này là mùa cao điểm của ngành dệt may. Nhưng hiện phần lớn các DN mới chỉ ký được đơn hàng đến hết quý II, chỉ một vài DN lớn có được đơn hàng đến hết quý III và một số đơn hàng cho quý III vẫn đang được đàm phán. “May 10 cũng chỉ ký được đơn hàng đến hết quý III, nhưng khác với các năm, phần nhiều là đơn hàng nhỏ lẻ, và thất thường, sản phẩm lại đòi hỏi phức tạp hơn. Đặc biệt, lượng hàng xuất sang châu Âu giảm khá nhiều so với các năm trước”, ông Thân Đức Việt – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần May 10 cho biết. Theo ông Việt, sự thất thường của đơn hàng đang khiến DN “rất bị động”.


Ảnh: BĐT

Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều DN dệt may chỉ sản xuất cầm chừng và chỉ ký được đơn hàng ngắn làm trong khoảng 3 tháng chứ không ký được hợp đồng dài từ 6 tháng hay 1 năm như các năm trước. Kế hoạch sản xuất vì vậy cũng rất bị động. Theo Bộ, những thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản tiếp tục chính sách thắt chặt tài chính, tiết kiệm chi tiêu nên ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần xuất khẩu và tình hình sản xuất của các DN dệt may. “Hiệp hội dệt may đang phân tích các thị trường để có giải pháp. Hoa Kỳ đang chuẩn bị bầu cử. Liên minh châu Âu vẫn chìm trong khủng hoảng. Chưa biết tình hình sẽ thế nào”, bà Đặng Phương Dung - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Tình hình này khiến ngành dệt may lo không đạt được kế hoạch xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm nay. Để đạt được kế hoạch, mỗi tháng phải xuất khẩu khoảng 1,4 tỷ USD. “Từ nay đến tháng 9 là những tháng cao điểm và với đơn hàng đã ký còn có khả năng mỗi tháng xuất được 1,4 tỷ USD chứ với 3 tháng cuối năm, khó đạt được mức này trừ khi có những yếu tố bất ngờ”, Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo.

Không những thế, hầu hết các DN dệt may đang phải giải quyết mâu thuẫn kép. Đó là dù đơn hàng ít, sản xuất cầm chừng nhưng vẫn thiếu lao động. Đó là khi sức mua giảm sút, khách hàng thắt chặt chi tiêu muốn bán được hàng phải giảm song giá thành sản phẩm lúc này lại chịu sức ép tăng do chi phí nhập khẩu bông rơi tăng thuế suất tăng từ 0% lên 10%. Khi sức mua giảm sút, mà tăng giá sản phẩm chẳng khác nào tự bóp chết mình bởi không chỉ giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, mà ngay tại thị trường nội địa cũng khó lòng “thắng” được hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước tình hình này, theo Bộ Công Thương các DN nhỏ trong ngành “đang co lại” chỉ sản xuất cầm chừng.“Mối quan tâm của các DN dệt may là làm sao để không ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người lao động…”, bà Dung cho biết. Các DN đang cố gắng để duy trì sản xuất ổn định, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và mở rộng kênh phân phối. Hy vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của các ngành, để hỗ trợ thiết thực hơn cho DN về việc phát triển kênh phân phối tại thị trường nội địa cũng như hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Nếu xúc tiến thương mại tốt, hàng dệt may vẫn có cơ hội xuất khẩu. Các cơ hội đó là: người dân Nhật Bản đang giảm chi tiêu chuyển sang dòng hàng bình dân. Đây được xem là cơ hội cho mặt hàng may mặc của Việt Nam. Đối với thị trường Hoa Kỳ, nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) được thông qua thì một số hàng dệt may, nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế xuống tới gần 0%, điều này sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam thâm nhập được nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Hiện Ấn Độ và Hoa Kỳ đang dần bỏ rơi hàng dệt may Trung Quốc do chi phí cao, đây cũng sẽ là cơ hội lớn đối với xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Linh Ly

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều