Dệt may nắm bắt vận hội mới

14:39 | 13/05/2015

Từ nhận thức rõ điểm yếu và nguy cơ nhiều cơ hội lớn sẽ bị bỏ lỡ nếu chậm chân, DN Việt Nam với nhiều hình thức đã đầu tư mạnh vào các trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu. 

Từ đầu năm 2015, ngành dệt may Việt Nam đã có sự chuyển biến lớn từ việc khởi động hàng loạt dự án đầu tư lớn như Dự án Cụm liên hợp dệt, nhuộm, may, dệt kim tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị), do Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế (thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam -Vinatex và đối tác Nhật Bản là Công ty Toms) hợp tác xây dựng. Sản phẩm chính của nhà máy là T-shirt.

Dự án có tổng mức đầu tư 12 triệu USD, gồm 3 nhà máy dệt nhuộm hoàn tất công suất 2.500 tấn vải dệt kim/năm, nhà máy may công suất hơn 10 triệu sản phẩm/năm và nhà máy xử lý nước thải công suất 1.200 m3/ngày. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015. Cụm liên hợp này cũng sẽ kết nối với khâu sản xuất sợi của Vinatex, tạo nên chuỗi cung ứng sản phẩm từ sợi.

det may nam bat van hoi moi
Thuận lợi và phát triển tốt phải từ sự chủ động của doanh nghiệp

Sau dự án này, một số địa phương ở miền Bắc như Thái Bình, Nam Định… cũng đang trong quy hoạch để Vinatex nhân rộng mô hình liên doanh lập dự án liên hoàn sợi - dệt nhuộm hoàn tất đến may với các đối tác nước ngoài có tiềm lực đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua một chương trình tín dụng dành cho thúc đẩy phát triển hợp tác ngành dệt may Ấn Độ - Việt Nam trị giá 300 triệu USD. Các bên đang xúc tiến thành lập Khu công nghiệp Dệt may Ấn Độ đầu tiên tại Việt Nam với tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi. Sự tập trung đầu tư vượt bậc của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào ngành dệt may cho thấy, ngành này đang đứng trước những cơ hội vàng.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may hiện là ngành kinh tế lớn nhất nước, với trên 5.000 DN đang hoạt động, doanh thu ước khoảng 24,5 tỷ USD/năm 2014 và đang hướng đến tổng kim ngạch xuất khẩu 28,5 tỷ USD trong năm 2015.

Thời gian tới, dệt may cũng là ngành được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA ASEAN Trung Quốc (ACFTA), FTA với Úc và New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc... Xuất khẩu dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đáng kể trên nhiều thị trường chính như tăng 17% tại châu Âu, 12,5% tại Hoa Kỳ, và 9% tại Nhật Bản năm 2014.

Về giá trị, ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản xuất trong 10 năm tới. Tuy ngành đã đặt mục tiêu xuất khẩu dài hạn, trong mức khoảng 20 tỷ USD - 22 tỷ USD/năm 2020 và 55 tỷ USD trước năm 2030.

Vì vậy, DN dệt may trong nước hiện đang tập trung cho chiến lược chuyên môn hóa, hiện đại hóa và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể là ở lĩnh vực dệt, nhuộm để sản xuất vải - một phân khúc nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng dệt may. Việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là điểm yếu từ lâu.

Nhưng đến nay, lĩnh vực dệt, nhuộm vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài bởi DN Việt Nam đa số là DNNVV, chưa mạnh về vốn, trang thiết bị còn phát triển chậm, thiếu hụt lao động chất lượng dẫn đến phụ thuộc vào nguyên liệu nhập sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm tập trung sản xuất hàng hóa của những nhà đầu tư nước ngoài, DN trong nước chỉ là sản xuất gia công.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn còn yếu ở khâu sản xuất vải, bao gồm cả vải dệt kim và vải dệt thoi, bởi hiện nay, ngành vải chỉ có thể đáp ứng được 30% nhu cầu về số lượng.

Từ nhận thức rõ điểm yếu và nguy cơ nhiều cơ hội lớn sẽ bị bỏ lỡ nếu chậm chân, DN Việt Nam với nhiều hình thức đã đầu tư mạnh vào các trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu.

Thực tế thị trường chứng minh, khi quy mô thị trường tăng sẽ kéo theo năng lực đầu tư các dự án ngành nguyên phụ liệu tăng theo. Khi ngành dệt may xuất khẩu 3-5 tỷ USD, không một DN nào nghĩ đến sản xuất vải vì quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với các nhà cung ứng toàn cầu. Nhưng khi kim ngạch xuất khẩu dệt may được 10 tỷ USD, thì DN bắt đầu sản xuất vải đặc thù. Đến khi xuất khẩu là 20 tỷ USD thì nhiều DN bắt đầu sản xuất vải cao cấp.

Đó là lý do để khẳng định với quy mô xuất khẩu 40 tỷ - 50 tỷ USD trong 10 năm tới, sẽ có thêm nhiều trung tâm nguyên phụ liệu được xây dựng và đưa vào hoạt động, có thể đáp ứng được 60% nhu cầu vải về cả số lượng lẫn chất lượng.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều