Đi tìm sức hút thương hiệu bán lẻ

08:24 | 13/04/2018

Chúng ta đã có nhiều thương hiệu Việt vượt tầm quốc gia, vươn ra thị trường thế giới. Thế nhưng thương hiệu bán lẻ vẫn còn bị bỏ ngỏ hoặc chưa được xây dựng một cách tổng thể. Đi tìm lời giải cho nguyên nhân vì đâu thương hiệu bán lẻ Việt vẫn chưa thực sự phát triển.

Bán lẻ chưa phủ kín nông thôn
Cách tiêu dùng định vị lại thị trường

Thương hiệu là yếu tố tiên quyết

Thương hiệu là yếu tố để người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá và dịch vụ của một DN. Thương hiệu góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho DN, nâng cao văn minh thương mại và chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các DN xây dựng cho mình và hàng hoá của mình những thương hiệu là điều hết sức cần thiết.

di tim suc hut thuong hieu ban le
VinMart- thương hiệu bán lẻ đang có chỗ đứng tại thị trường Việt

Thế nhưng thương hiệu cho một DN bán lẻ hiện đại như siêu thị hoặc trung tâm thương mại thì còn ít được đề cập tới. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có hơn 90% DN có quy mô nhỏ và vừa, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa.

Vì thế, những hạn chế này đã trở thành rào cản để thương hiệu bán lẻ Việt Nam có thể tìm chỗ đứng ngay tại thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.

Con số 750 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tự chọn, siêu thị mini… thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang trở thành thị trường tiềm năng đối với các DN trong và ngoài nước. Thế nhưng thương hiệu bán lẻ Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lý giải nguyên nhân chính khiến thương hiệu bán lẻ Việt chưa thực sự phát triển, đó là việc tạo lập và xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức cả ở phương diện vĩ mô và ngay cả bản thân các DN. Nhiều DN xây dựng thương hiệu theo kiểu “chộp giật”, không bài bản, thiếu nghiên cứu thị trường, khiến thương hiệu sau khi xây dựng chỉ “dậm chân tại chỗ” không thể phát triển mặc dù tiềm năng là rất lớn.

Cũng theo ông Phú, trong vòng 20 năm trở lại đây, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều thương hiệu bán lẻ trong đó, có 2 nhà bán lẻ có thương hiệu tương đối vững chắc, triển vọng và phát triển khá bài bản đó là Saigon Co.op và Vingroup với hệ thống bán lẻ Vinmart. Đây là 2 thương hiệu đang nhận được sự đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng và ngày càng định vị được thương hiệu của mình.

“Còn nhiều thương hiệu bán lẻ Việt Nam khác, tuy cũng xuất hiện 10-20 năm nay, kể cả thương hiệu bán lẻ của DNNN, mặc dù cũng có những cố gắng nhất định, song vì nhiều lý do, có DN thì rút bớt địa điểm, hoặc bán bớt đi một phần vốn của mình hoặc cả 100% vốn cho các DN trong nước và nước ngoài. Những điểm còn lại kinh doanh một cách cầm chừng, không lỗ là một sự may mắn. Điều đó cho thấy, thương hiệu vẫn là một khâu yếu trong quá trình phát triển của DN Việt, nếu không thay đổi kịp thời, rất khó cạnh tranh khi ”, ông Phú bày tỏ.

Cần xây dựng thương hiệu tổng thể

Chậm đổi mới phương thức kinh doanh, phương thức phục vụ, vì thế không tạo được dấu ấn lâu bền với khách hàng thân thiết. Vì thế các hệ thống bán lẻ nội địa khó giữ được chân khách hàng.

Chị Ngọc Bích ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, các thương hiệu, DN Việt Nam hầu hết đều có mặt hàng na ná nhau, thậm chí phong cách phục vụ cũng không có gì khác biệt. Vì thế, khi có nhu cầu mua sắm chị cảm thấy ở đâu thuận tiện, giá cả phù hợp thì mua. Suy nghĩ của chị Bích cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng Việt, “ tiện đâu, mua đấy “ vì sự na ná của các sản phẩm.

Bên cạnh đó, vấn đề phổ biến nhất hiện nay đó chính là việc nhiều hệ thống bán lẻ ép nhà cung ứng bằng đủ cách, từ chiết khấu vô lý, chiếm dụng vốn đến chi phí không hợp lý... làm nản lòng các nhà cung ứng, nhất là cung ứng hàng Việt Nam.

“Với các nhà bán lẻ quốc tế, hầu hết các hệ thống đều có sự đầu tư vào sản xuất và thu mua lại hàng hóa với giá cả hợp lý cho nông dân. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn, họ sẵn sàng giảm chiết khấu hàng năm trời cho các mặt hàng tươi sống đưa vào siêu thị, cửa hàng tiện ích… điều đó cho thấy, xây dựng thương hiệu bán lẻ không chỉ thể hiện ở giá cả hàng hóa cạnh tranh hợp lý, chất lượng ổn định mà còn ở những mối quan hệ nhân văn giữa DN và người tiêu dùng, giữa DN với các nhà cung ứng hàng hóa”, ông Phú phân tích.

Ngày thương hiệu Việt Nam 20/4 đang đến gần, hy vọng thời gian tới sẽ có thêm những thương hiệu chân chính, phát triển một cách vững chắc. Khi đó, người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi và các DN cũng khẳng định được thương hiệu bán lẻ của mình trên thị trường,

Hà An

Tin đọc nhiều