Định hướng cho ngành xuất khẩu chủ lực

16:01 | 13/04/2018

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 đạt 55,6 tỷ USD, tăng tới 11,1 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ năm trước...

Chiến lược phát triển bền vững

Nhiều thuận lợi về nguồn nguyên liệu cũng như những chính sách đã giúp nông sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu ngành nông sản là một trong 7 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm duy trì mức tăng trưởng tốt, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản từ 40-40,5 tỷ USD trong năm 2018.

dinh huong cho nganh xuat khau chu luc
Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu ngành nông sản là một trong 7 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm duy trì mức tăng trưởng tốt

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 đạt 55,6 tỷ USD, tăng tới 11,1 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2018, có đến hơn 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn tỷ USD, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều đạt được tăng trưởng cao. Đặc biệt các nhóm hàng ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng ấn tượng và được đánh giá còn rất tiềm năng.

Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản trong 3 tháng đầu năm ước đạt gần 8,7 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Trong đó nhóm hàng lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là thủy sản đạt 1,768 tỷ USD, tăng 17,6%; rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 38,5%; gạo đạt 745 triệu USD, tăng 38,1%...

Có được kết quả đó là sự nỗ lực của toàn ngành trong việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành hàng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đồng thời chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản và giữ vững thị trường xuất khẩu. Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2018 song song với thị trường Trung Quốc, thị trường Hoa Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU), các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường được đẩy mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam.

Có thể thấy, trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo, hạt điều, rau quả là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị. Hiện nay, rau quả dần vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ước tính năm 2030, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập hơn 1,5 tỷ USD. Hiện các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có mặt tại gần 60 thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cần tăng về chất

Theo số liệu thống kê, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2018 ước đạt 524 nghìn tấn, giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 với 24,4% thị phần. Bên cạnh đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Irắc (gấp 5,7 lần), Malaysia (gấp 2,7 lần), Gana (gấp 2,05 lần), Hồng Kông (73,5%) và Singapore (33,9%).

Tương tự, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 3/2018 tăng mạnh, ước đạt 26 nghìn tấn với giá trị 265 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 73 nghìn tấn và 739 triệu USD, tăng 30,9% về khối lượng và tăng 43,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 30,5%, 16,8% và 14,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều...

Việc Việt Nam hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế cũng như tham gia các Hiệp định thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Đơn cử như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ giúp các DN xuất khẩu nông sản từng bước thâm nhập và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn, chất lượng cùng tham gia hiệp định như Nhật Bản, Australia, New Zealand… Các nước này đòi hỏi các sản phẩm phải đảm bảo chất lượng cao, từ đó cũng góp phần nâng cao chất lượng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, mặc dù nông sản Việt Nam có nhiều thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên những tiềm ẩn rủi ro của các thị trường xuất khẩu chủ lực là không thể tránh khỏi, nhất là khó khăn do rào cản phi thương mại được nhiều quốc gia nhập khẩu dựng lên để bảo hộ hàng sản xuất trong nước.

Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Công thương đã và đang có những giải pháp hỗ trợ các DN xuất khẩu mở rộng thị trường mới cũng như củng cố vững chắc những thị trường truyền thống. Theo đó, Bộ Công thương đang tích cực cải cách hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục gây khó khăn cho DN xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho DN xuất khẩu. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về lĩnh vực hội nhập khu vực nói chung và Quy tắc xuất xứ trong các FTA nói riêng giúp DN nắm bắt kịp thời những quy định mới, tận dụng hiệu quả cơ hội do các FTA mang lại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc tham gia hội nhập sâu rộng và các DN xuất khẩu đã củng cố và giữ vững thị trường, năm 2018 xuất khẩu nông sản sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu 40 - 40,5 tỷ USD đòi hỏi phải tăng trưởng cả về giá trị và tỷ trọng tuyệt đối. Năm 2018 chúng tôi xác định giải pháp để ổn định và mở rộng được thị trường nông sản quốc tế là quan trọng nhất, thậm chí ngành còn đặt trên cả những giải pháp về phòng chống thiên tai.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều