DN muốn được vay tín chấp nhiều hơn

08:34 | 27/03/2015

Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết mong muốn tới đây 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông hợp tác chặt chẽ với nhau, định hướng đi có tổ chức rõ ràng, tránh để sản xuất tuỳ tiện, sản xuất hàng giả hàng nhái, lãng phí nguồn lực…

Là một tỉnh nghèo khu vực miền núi, nên hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh Hà Giang gặp khá nhiều khó khăn. Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng giám đốc công ty Hùng Cường cho biết:

Sau hơn chục năm thành lập và phát triển ở khu vực miền núi này, nhờ có sự hỗ trợ tích cực của NH đã giúp cho DN tồn tại và phát triển cho đến này hôm nay. Chúng tôi cũng cố gắng sử dụng vốn hiệu quả, chưa lần nào để nợ quá hạn và đã tạo được uy tín, niềm tin đối với NH. Tuy DN Hùng Cường đã xuất khẩu đến trên 24 nước, nhưng nhu cầu đòi hỏi của thị trường rất cao, chúng tôi cần phải tổ chức lại sản xuất, định hướng đi phát triển bền vững.

Điều này phụ thuộc nhiều vào công nghệ khoa học, thiết bị hiện đại. Mà đầu tư vào máy móc thiết bị đòi hỏi phải có vốn. Chúng tôi mong muốn tới đây 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông hợp tác chặt chẽ với nhau, định hướng đi có tổ chức rõ ràng, tránh để sản xuất tuỳ tiện, sản xuất hàng giả hàng nhái, lãng phí nguồn lực…

dn muon duoc vay tin chap nhieu hon
Ảnh minh họa

Chè Shan tuyết là cây lâu năm. Vậy, ông mong muốn kỳ hạn vay vốn như thế nào?

Đúng là, giống chè Shan tuyết thường đầu tư mất 5 năm mới cho thu hái. Cho nên, nếu chỉ vay trung hạn 5 năm thì chưa đủ mà thời gian vay từ 7 - 10 năm thì DN mới thu hồi được vốn. Vì lúc đó cây chè bắt đầu cho thu hái, DN mới có nguyên liệu sản xuất, chế biến ra hàng hoá rồi mới xuất khẩu được. Phải từ năm thứ 7 thì DN có thể bắt đầu thu hồi vốn.

Cũng bởi đầu tư có tính lâu dài nên DN chưa thể có sản phẩm hiệu quả ngay được. Mà theo đúng quy trình bài bản phải mua công nghệ, mua máy móc rồi đầu tư nhà máy nhà xưởng, đầu tư cho người dân trồng chè… tốn kém khá nhiều nên chúng tôi mong là mức lãi suất thật ưu đãi, có thể từ mức 5%/năm, thì các DN mới dám làm, phát triển được. Còn nếu lãi suất cao thì DN cũng chịu.

Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị NH tăng cho vay tín chấp vì nếu hạn mức cho vay theo tài sản đảm bảo thì chúng tôi không đủ tài sản. Rất mong NH chia sẻ hỗ trợ giúp DN và người dân xóa đói giảm nghèo qua đầu tư phát triển cây chè shan tuyết.

Vậy cơ chế hỗ trợ đến người nông dân trồng chè của DN như thế nào?

DN sẽ cung cấp vốn, giống - nhất là giống. Khi cây sinh trưởng có sâu bệnh thì DN sẽ hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, hỗ trợ phân bón hữu cơ. Trong những năm đầu sản xuất, chúng tôi có ý tưởng đổi chè lấy gạo để giảm thiểu ruộng bậc thang vì độ dốc ruộng bậc thang rất cao và mưa ở núi rừng làm xói mòn ruộng bậc thang rất nhanh. Hơn nữa, trồng lúa ở vùng cao hiệu quả không cao, thậm chí thu nhập kém chè rất nhiều.

Có thể nói, cây chè có giá trị về xã hội là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng chè chống xói mòn, thay những ruộng bậc thang. Và khi chè đã được sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ thì giá trị của 1 kg chè tăng gấp 4 lần. Hiện tại các thị trường châu Âu đang quan tâm đế chè hữu cơ và chè sạch. Khi chúng ta làm được điều ấy thì người dân cũng hiểu biết và sản xuất chè sạch hơn, người sản xuất có trách nhiệm cao hơn với người tiêu dùng. Nên tôi có thể khẳng định, cây chè rất có giá trị, giúp người dân xoá đói giảm nghèo.

Xin cảm ơn ông!

Viết Chung thực hiện

Tin đọc nhiều